Chuyển đến nội dung chính

Chế độ phát xít -Jeliu Jeliev

Chế Ðộ Phát Xít

Phần mở đầu



Ðáng lẽ, do khoảng thời gian rất dài cuối chiến tranh thế giới thứ hai và những thế hệ mới ở cuối thế kỷ này, chủ đề phát xít sẽ ít được chú ý, nhưng chúng ta quan sát thấy một xu thế hoàn toàn ngược lại. Chủ nghĩa phát xít như hệ tư tưởng, như chế độ chính trị và hiện thực xã hội, ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Tài liệu về chủ đề này có thể chất cao như núi.
Rõ ràng, nguyên nhân của hiện tượng đặc biệt này không thể giải thích bằng mối quan tâm đến lịch sử quá khứ. Tồn tại nhiều nguyên nhân chính trị và xã hội, bắt rễ trong những điều kiện phức tạp của thế kỷ 20 có thể giải thích được điều này: Một bộ phận đáng kể những người đương thời và cùng cộng tác với chế độ phát xít vẫn đang còn sống; chiến tranh đã thay đổi số phận của họ và để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Ðối với những người này, nghiên cứu về chế độ phát xít được xem như là mô tả về cuộc đời, cuộc đấu tranh và những khổ đau của họ . Rất nhiều nơi trên hành tinh xuất hiện có tính chất định kỳ các chế độ cảnh sát quân sự, sử dụng thẳng thừng những biện pháp chính trị của chế độ phát xít (kiểu hủy diệt các đối thủ chính trị của Pinoche, chính sách diệt chủng ở Campuchia). Những chế độ này có xu hướng tiến tới hiện tượng quái dị được gọi là chế độ phát xít. Bối cảnh quốc tế phức tạp, mâu thuẫn thế giới càng ngày càng tăng và mối đe dọa đối đầu gữa các nước có vũ khí hạt nhân khiến chúng ta nhớ lại những bài học của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, mà châm ngòi là các nước phát xít; càng làm chúng ta quan tâm đến chủ đề phát xít. Sau cùng để xác định những di sản văn hóa và nhận định đúng chu kỳ chuyển động và phát triển phức tạp của xã hội văn minh, chúng ta cần quan tâm đến chủ đề phát xít, vì biết đâu nó chưa bị hủy diệt triệt để và cần phải nhổ tận gốc một lần chót mọi mầm mống của nó.
Rõ ràng, còn có thể tồn tại nhiều nguyên nhân khác. Nhưng điều đó càng nhắc nhở chúng ta rằng, đã đến lúc phải xây dựng một Lý Thuyết Thống Nhất Về Chế Ðộ Phát Xít, có thể thâu tóm mọi nghiên cứu riêng biệt đã làm.
Sự thật là, dù tài liệu về chủ đề này có thể chất cao như núi, nhưng một lý thuyết thống nhất vẫn chưa được xây dựng.
 
1- Tính thời sự của chủ đề
Ba mươi sáu năm trôi qua, kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khoảng thời gian này đã xuất hiện thêm hai thế hệ mới trong cuộc sống loài người. Các thế hệ này không có ấn tượng cụ thể về chế độ phát xít, mà chỉ hiểu nó qua phim ảnh và sách báo. Vì lý do này, đối với đa phần thế hệ trẻ, chế độ phát xít được xem như kỳ dị, nhiều hơn là kinh hoàng. Những nỗi khổ đau, kinh hoàng, những cuộc giết người hàng loạt, đẫm máu, mà chế độ phát xít đã gây cho các thế hệ tiền bối, đối với họ không còn sống động và rõ ràng như đối với những người đương thời. Thời gian đã có tác động của nó.
Ðấy là lẽ đương nhiên. Những gì xảy ra hôm nay, ngày mai đã trở thành lịch sử . Không thể bắt thế hệ trẻ sống với qúa khứ, với khổ đau và hy sinh của thế hệ trước đó. Họ có những nhiệm vụ mới, đeo đuổi mục đích mới. Nếu không, làm sao có thể phân biệt được họ với các thế hệ tiền bối.
Nhưng cũng chính tại đây chứa đựng một mối nguy hiểm khôn lường. Bởi vì, cách sống này chỉ sinh ra ảo tưởng tốt đẹp, làm lu mờ những mối nguy hiểm to lớn nhất của thời đại, trong khi đó rõ ràng chủ nghĩa phát xít không chỉ là lịch sử .
Chủ nghĩa phát xít tồn tại cả ở thời kỳ hiện đại như một mối đe dọa thực sự .
Rất nhiều sự việc khiến chúng ta phải liên tưởng tới nó. Gần đây là cuộc đảo chính không thành công nhằm phục hồi chế độ phát xít ở Tây Ban Nha, do những phần tử cận vệ dân tộc tiến hành bằng cách tấn công vào quốc hội.
Vụ mưu sát Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan cho thấy có liên quan đến đảng Quốc Xã Mỹ, tồn tại gần như tự do ở đất nước này.
Rất nhiều đảng phái, nhóm quốc xã cận phát xít tồn tại công khai ở các nước Tây Âu. Hiện nay những đảng này đang còn yếu và chưa gây ảnh hưỏng lớn đến đời sống chính trị, nhưng không phải là không nguy hiểm.
Một số trong những đảng này tổ chức huấn lyện và vũ trang quân sự cho đảng viên, số khác tổ chức những cuộc gặp gỡ và hội nghị quốc tế, những cuộc diễu hành trên đường phố và hát những bài hát phát xít, đập phá tượng đài chống phát xít, tấn công nhà thờ người Do Thái, gây tội ác với người da màu. Hiện tượng đặt bom nổ chậm ở những nơi công cộng trở thành phổ biến, làm thiệt hại tính mạng cả những người hoàn toàn vô tội. Ở các nước phương Tây xuất hiện thường xuyên khi thì mốt râu, khi thì mốt tóc cuả Hitler.
Chúng tôi cho rằng vấn đề khả năng phục hồi chế độ phát xít cần phải đặt ra và giải quyết trên cơ sổ khoa học nghiêm túc, chứ không thể bằng hình thức hoặc tuyên truyền.
Nhưng trước tiên cần phân biệt giữ vấn đề tuyệt diệt của chủ nghĩa phát xít trên quan điểm chính trị và lịch sử .
Về mặt Lịch Sử, chủ nghĩa phát xít đã bị tuyệt diệt và không thể nói đến khả năng phục hồi. Ðiều đó có nghĩa rằng, như hệ tư tưởng và thực tiễn chính trị được tô vẽ như con đường mới mẻ của loài người, như một trật tự mới cho thế giới và mang ý nghĩa cao đẹp hơn về cuộc đời, chủ nghĩa phát xít đã bị phá sản hoàn toàn và không thể tái sinh!
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đạc biệt là sau phiên tòa Nuernberg, các dân tộc được chứng kiến những tư liệu khổng lồ về tội ác của chế độ phát xít; do đó, nó không còn có thể thu hút bất kỳ dân tộc nào. Ðối với loài người, chủ nghĩa phát xít là một thứ tư tưởng phản động, suy đồi.
Trong thời đại chúng ta, chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với đồi bại nhất về chính trị và tinh thần. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng, trên quan điểm lịch sử chế độ phát xít đã bị tuyệt diệt hoàn toàn!
Nhưng từ đó không thể suy ra rằng, trên quan điểm chính trị nó cũng đã bị tuyệt diệt, rằng trong những điều kiện nhất định giới cầm quyền chóp bu của một nước nào đó sẽ từ chối không dám xử dụng những vũ khí chiến lược của chủ nghĩa phát xít.
Không ai có thể đảm bảo được điều này. Hơn thế nữa, những người theo dõi tình hình chính trị đều không chỉ một lần quan sát thấy những âm mưu tương tự của các tập đoàn quân sự giành chính quyền thông qua đảo chánh. Chế độ chính trị của Pinoche là một dẫn chứng mới mẻ nhất.
Về mặt Chính Trị, khả năng tuyệt diệt của chủ nghĩa phát xít có cơ sở sâu xa trong lĩnh vực kinh tế, trong quá trình tập trung, thâu tóm tư bản và sở hữu- những đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc. Ở đây không muốn nói về những hiện tượng lỗi thời, mà về xu hướng khách quan của giới tư bản lũng đoạn. Mức độ tập trung và thâu tóm phương tiện sản xuất vào tay bọn tư bản kếch xù và nhà nước càng lớn bao nhiêu, tiềm lực kinh tế của chúng càng hùng hậu bao nhiêu, thì khả năng hủy diệt những tư tưởng tự do và triệt tiêu quyền tự do chính trị, quyền tự do công dân càng dễ xảy bấy nhiêu, rồi từ đó dẫn đến độc tài phát xít.
Cách đây 60 mươi năm, Lênin đã giành sự chú ý cho vấn đề này trong Chủ Nghĩa Ðế Quốc và nhiều công trình khác: việc thay thế cạnh tranh tự do bằng thống soái trong nền kinh tế tương ứng với việc thay thế nền dân chủ tư sản bằng chế độ chính trị phản động tại thượng tầng kiến trúc. Nói cách khác, độc đoán trong nền kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến độc đoán trong chính trị và mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Và như chúng ta đã biết, độc đoán trong chính trị chỉ có độc một hình thái duy nhất: chuyên chính độc tài.
Tất nhiên khả năng về chuyên chính phát xít không phải bao giờ cũng được hình thành trong đời sống chính trị, nhưng nó tồn tại một cách khách quan và trong những bối cảnh mâu thuẫn xã hội gay gắt ở thời đại chúng ta thì điều đó không phải là không nguy hiểm. Xu hướng độc tài hóa trong thế giới hiện đại mạnh đến mức ngay cả những nền dân chủ tư sản truyền thống cũng không còn được bảo tồn như ở thế kỷ 19; trong đời sống chính trị của những nước này thường xuất hiện những hành động và sự kiện gần với chuyên chính hơn là dân chủ .
Tính thời sự của chủ đề này còn được xác định từ một vấn đề khác: sự cần thiết phải diễn giải cấu trúc, những quy luật, cơ cấu và đòn bẩy ẩn giấu trong nhà nước phát xít. Thiếu cái đó, sẽ không thể giải thích được bằng cách nào mà chế độ phát xít, đặc biệt là phát xít Ðức, với hệ tư tưởng phản động và phản khoa học của nó, có thể lôi cuốn tất cả các dân tộc châu Âu, biến họ thành những công cụ cho những mục đích tội lỗi; không thể hiểu được hệ thống chính trị man rợ, mị dân, ngu dân, vô lương tâm, vô nhân đạo đã biến hàng nhiều triệu công dân tự do, hàng triệu những người lạc hậu, phục tùng mù quáng thành một đội quân hỗn tạp Tamerlanov hiện đại, đe dọa hủy diệt nền văn minh nhân loại. Chúng ta biết rất nhiều về những tội ác của chế độ phát xít (trại tập trung cải huấn, lò hơi độc, thiêu hủy sách báo tiến bộ, v.v...), nhưng biết quá ít về cơ cấu bộ máy nhà nước phát xít đã gây ra những tội ác này.
Chúng ta cũng biết rất nhiều về "chế độ phát xít man rợ", nhưng hầu như không biết gì về chế độ phát xít bình thường, mà từ đó mới phát triển thành chế độ phát xít man rợ .
Bởi vậy khi nghiên cứu những vấn đề này, không thể xem đã đầy đủ nếu chỉ kết luận rằng, chế độ phát xít là nền chuyên chính của các tầng lớp đế quốc phản động nhất (tất nhiên điều này hoàn toàn đúng), mà cần thiết phải phát triển rộng hơn nữa: tìm hiểu chi tiết nền chuyên chính phát xít như hệ thống chính trị và hình thái chính quyền.
2- Những định nghĩa về chủ nghĩa phát xít Trong những giai đoạn khác nhau, rất nhiều định nghĩa về chủ nghĩa phát xít đã được đưa ra, dựa trên những cơ sở khác nhau. Vào năm 1921, sau sự kiện "Tiến Về Thành Rôma", bọn phát xít Italia cướp được chính quyền, rất nhiều nhà macxit đã xem đó như là một cuộc cách mạng tiểu tư sản. Ngay từ năm 1923, X.M. Bronxci đã xem đó như là một "cuộc cách mạng tiểu tư sản" và "cuộc đấu tranh đòi quyền tự chủ của các tầng lớp trung lưu". Theo L. Longo, trong nhận thức lúc bấy giờ của những người cộng sản và những người xã hội Italia, phong trào phát xít được xem như "kết quả cuộc bạo loạn của giai cấp tiểu tư sản, do nó bị chèn ép giữa giới đại tư sản và phong trào công nhân".
Sau năm 1926, khi bọn phát xít Italia xây dựng hệ cơ cấu nhà nước đặc biệt, và ở chân trời đã xuất hiện thắng lợi của phong trào quốc xã Ðức phản động hơn nhiều, người ta cũng bắt đầu thêm vào định nghĩa về
chủ nghiã phát xít tính chất phản cách mạng của nó. Vào năm 1942, Ẹ Telman định nghĩa chủ nghĩa phát xít như "cuộc phản cách mạng vũ trang, thể hiện như một phong trào quần chúng, được chuyển thành những tổ chức hitlerist". Nhà sử học người Italia, Dele Piane, gọi chủ nghĩa phát xít là "cuộc phản cách mạng triệt để"; còn L. Longo thì xem đó là "một trong những hình thái phản cách mạng triệt để" .
Vào những năm 1940, người cộng sản Pháp J. Politxer, định nghĩa chủ nghĩa phát xít như "cuộc cách mạng phản động nhất trong lịch sử" và "cuộc phản cách mạng của thế kỷ 20".
Evgeni Cocx : "Cuộc cách mạng phản động".
E. Franxel : "Cuộc cách mạng cánh hữu".
Erikh Hex : "Chủ nghĩa phong kiến công nghiệp".
Herman Rausing : "Cuộc cách mạng cuả chủ nghĩa hư vô", và "Cuộc cách mạng phủ định".
Uinxtun Trurtrin : "Chủ nghĩa phát xít là cái bóng hay con đẻ của chủ nghĩa cộng sản".
Giáo sư triết học và xã hội học Luidji Xturxo : "Thực chất nước Nga và nước Italia chỉ có một khác biệt nhỏ - cụ thể là chủ nghĩa Bonsevist hay chuyên chính cộng sản là chủ nghĩa phát xít tả, còn chủ nghĩa phát xít hay chuyên chính bảo thủ là chủ nghĩa bonsevist hữu. Nước Nga Bonsevist sinh ra huyền thoại Lenin, còn nước Italia phát xít sinh ra huyền thoại Muxolini".
L. Mumford cho rằng cội rễ của chủ nghĩa phát xít phải tìm "trong tâm hồn con người chứ không phải trong cội rễ kinh tế".
Vilhelm Raikh: "là sự thể hiện cấu trúc phi lý của con người đã bị bóp méo, trở nên đần độn".
Cần phải nói rằng, trong tất cả những định nghĩa trên đây đều chứa đựng một phần sự thật của vấn đề. Chúng phản ánh những khía cạnh riêng biệt của một hiện tượng chính trị có thật, được gọi là chủ nghĩa phát xít. Bởi vì chủ nghĩa phát xít đồng thời vừa là "phong trào quần chúng", "cuộc cách mạng tiểu tư sản", "cuộc cách mạng cánh hữu", "cuộc cách mạng triệt để", v.v...
Nhưng trong tất cả các định nghĩa trên không có một định nghĩa nào cho thấy được cội rễ sâu xa và bản chất đặc biệt của chủ nghĩa phát xít. Tại đại hội lần thứ 7 của quốc tế cộng sản, chủ nghĩa phát xít được định nghĩa như: "Nền chuyên chính khủng bố trắng trợn của những phần tử đế quốc phản động và sô-vanh nhất trong giới tư bản tài chính". Giới tư bản tài chính là cội rễ của chủ nghĩa phát xít và xác định cương linh của nó. Thiếu sự có mặt của giới tư bản tài chính, chủ nghĩa phát xít sẽ đánh mất bản chất, đặc điểm và nội dung chính trị của mình. Thiếu sự có mặt của giới tư bản tài chính, chủ nghĩa phát xít không thể trở thành một phong trào dân tộc sâu rộng và không thể cướp chính quyền. Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa phát xít xuất hiện trong thời đại đế quốc, trong điều kiện của cuộc khủng khoảng xã hội sâu sắc, đe dọa sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trong lịch sử đã từng có các phong trào quần chúng của giai cấp tư sản và sinh ra chủ nghĩa Bonapac, nhưng không phải là chủ nghĩa phát xít.
Cho đến nay, định nghĩa của Quốc tế Cộng sản, trong diễn văn của Georgi Ðimitrov tại Ðại Hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 7 năm 1935, vẫn là định nghĩa sâu sắc nhất về chủ nghĩa phát xít, thể hiện được bản chất xã hội và giai cấp của hiện tượng này.
Tuy nhiên, thật sai lầm nếu như cho rằng định nghĩa của Quốc tế Cộng sản đã thâu tóm được mọi khía cạnh đặc biệt của chủ nghĩa phát xít. Trong định nghĩa này còn thiếu hẳn cơ cấu chính trị đặc biệt và hình thái chuyên chính đặc thù, mà nếu không có chúng thì không bao giờ có thể cắt nghĩa được sức mạnh quỷ quái cuả các nhà nước phát xít, những kẻ đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đẫm máu với mức độ khủng bố và tội ác đối với loài người đã đạt tới đỉnh điểm chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Rõ ràng rằng, chế độ phát xít trước hết là chính quyền, là nền chuyên chính của giới tư bản tài chính và đây là đặc thù xã hội giai cấp cụ thể nhất của nó, nhưng cũng rõ ràng rằng, trong tất cả những nước tư bản phát triển, chính quyền nhà nước là chính quyền của giới tư bản tài chính với những hạn chế nhất định về dân chủ, quyền tự do công dân, tự do chính trị ... Ðiều này đúng cho tất cả các nước tư bản phát triển trong thế giới hiện đại. Nhưng chỉ trên cơ sở đó, không ai có thể khẳng định rằng, tại các nước này đang hiện hành chế độ phát xít, rằng hình thái nhà nước là chuyên chính phát xít.
Ðiều đó chứng tỏ, định nghĩa chế độ phát xít như chính quyền, như chuyên chính của giới tư bản tài chính, dù thể hiện được nội dung cơ bản nhất của hiện tượng này, vẫn chưa thâu tóm được toàn bộ bản chất của nó. Cần phải thêm vào định nghĩa này cơ cấu chính trị đặc biệt và hình thái chuyên chính đặc thù, mà chính quyền của giới tư bản tài chính đã được cấu thành trong những điều kiện khủng khoảng xã hội tổng thể không bao giờ còn có thể xảy ra giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Ở đây không chỉ nội dung giai cấp, mà cả hình thái chuyên chính đặc thù cũng là khía cạnh đáng kể cuả vấn đề. Sự thống nhất hai đặc tính này phản ánh bản chất đặc biệt của chế độ phát xít.
Việc thiếu mất khía cạnh "hình thức" này trong định nghĩa của Quốc tế Cộng Sản kể cũng là lạ, bởi vì tất cả những nhà tư tưởng của Quốc Tế Cộng Sản đều đã từng quan tâm nghiêm túc đến dấu hiệu này của chế độ phát xít.
Như chúng ta sẽ thấy trong những mục tới, ngay từ phiên tòa Laixich, G. Ðimitrov đã giành sự chú ý đặc biệt đến cơ cấu chính trị đặc biệt và đặc thù độc tài của nhà nước quốc xã. P. Toliati trong "Những Bài Giảng Về Chủ Nghĩa Phát Xít" đã phân tích rất chi tiết về cơ cấu cuả chế độ phát xít Italia, đã nhìn thấy thực chất đặc thù độc tài đặc biệt cuả nó. Và dựa trên tính chất đặc biệt này của chuyên chính phát xít, các nhà Mác-xít như E. Telman, L. Longo, V. Pic, v.v... đã thử giải thích một vài hiện tượng trong đời sống chính trị của những nhà nước này, những hiện tượng có vẻ như là khác lạ, khó nhận biết, nếu đặt chúng ra khỏi cấu trúc của các hệ thống chính trị này.
Như vậy chúng ta có thể nói, dấu hiệu độc tài là khía cạnh đặc biệt quan trọng của chuyên chính phát xít, phản ánh được bản chất chính trị của nhà nước này, và vì thế, nó cần được thể hiện trong định nghĩa về chế độ phát xít. Trong trường hợp đó, định nghĩa của Quốc Tế Cộng Sản cần đuọc bổ xung như chính quyền độc tài, nền chuyên chính độc tài của giới tư bản tài chính, của bộ phận tư bản tài chính phản động nhất. Vấn đề cụ thể ở đây là chuyên chính độc tài - không phải chuyên chính quân sự, hay chuyên chính uy tín, mà là chuyên chính độc tài.
 
3- Khái niệm về nhà nước độc tài
Những người sáng lập nhà nước phát xít xử dụng thuật ngữ "nhà nước độc tài" trước tiên. Muxolini định nghĩa nhà nước độc tài là "nhà nước thâu tóm trong mình... toàn bộ sức mạnh, quyền lợi và hy vọng cuả một dân tộc".
Pau Riterbus, một trong những nhà lý luận quốc xã, đã định nghĩa: "... Nhà nước độc tài là nhà nước, mà với sự giúp đỡ của nó, một đảng hoặc một hệ tư tưởng được nâng lên thành tổng thể, thành xu hướng đặc biệt trong xây dựng chính trị của đời sống dân tộc... Nhà nước độc tài là sự phá vỡ mang tính nguyên tắc khái niệm tương đối, trong đó bao hàm một vấn đề là bất cứ một đảng phái nào cũng chỉ chứa đựng một sự thật tương đối".
Tại tòa án Niurnberg, Spee, Bộ trưởng Bộ Chiến Tranh trong chính phủ Hitler, đã đánh giá nhà nước độc tài như nguyên nhân quan trọng nhất gây nên thảm họa cho nhân dân Ðức: "Nhưng mối nguy hiểm ghê gớm, chứa đựng trong nhà nước độc tài, chỉ trở nên rõ ràng ở tận giai đoạn cuối. Hãy cho phép tôi thể hiện điều này như sau: mãi tận giai đoạn cuối, trong sự tan rã của chế độ này, mới thấy được mối nguy hiểm ghê gớm đến mức nào ẩn dấu trong những chế độ như thế, thậm chí kể cả khi chúng ta đặt ra một phía những nguyên tắc tập trung. Sự kết hợp giữa Hitler và hệ thống chính trị này đã mang lại thảm họa kinh hoàng cho toàn thế giới".
Tại tòa án Niurnberg, Soucrox gọi chính phủ Hitler là "chính phủ độc tài" vì "không chấp nhận bất kỳ xu hướng đối lập nào" và hủy diệt mọi quyền công dân và tự do chính trị . Eibl Plen lên án đảng "Falanga- Tây Ban Nha" như "đội quân hiếu chiến", "độc tài", xây dựng nhà nước độc tài đồng dạng với nó. Curt Rix mô tả "hình thái chuyên chính độc tài" như sau: "Ðối với nó, tự do in ấn và quốc hội bị hủy diệt". A. Mankhatan, khi trích dẫn báo cáo của Ðại sứ Italia tại Madrid, ngày 25.3.1939, cũng đã nói đến "liên hiệp phát xít châu Âu bao gồm những nước độc tài trên lục địa này".
Thuật ngữ "nhà nước độc tài" cũng được những tác giả macxit sử dụng khi xác định chế độ phát xít, đặc biệt là vào những năm cuối cùng của nó. Tại tòa án Laixich, G.Ðimitrov đã dùng thuật ngữ này trong "Mười Câu Hỏi Cho Các Viên Cảnh Sát", đồng thời đã xây dựng cho nó một nội dung cụ thể . Chúng ta sẽ trích dẫn toàn văn câu hỏi thứ mười.
"10- Có đúng là trong tình hình căng thẳng như thế, vụ cháy Raihxtaga được sử dụng như nguyên nhân để đàn áp phong trào công nhân, như công cụ nhằm vượt qua những khó khăn trong "liên minh dân tộc", nhằm thiết lập "chính quyền độc nhất" quốc xã và nhằm xây dựng cái gọi là "nhà nước độc tài", nghĩa là dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phát và tổ chức khác, nhằm "đồng hóa" mọi công sở nhà nước, kinh tế, quân sự, văn hóa, tôn giáo, thể thao, thanh niên, ấn loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v...
Nói gọn hơn, theo G. Dimitrov, nhà nước độc tài là nhà nước có tham vọng: thứ nhất, "dùng bạo lực hủy diệt tất cả các đảng phái và tổ chức khác"; và thứ hai, nhằm đồng hóa mọi công sở nhà nước, kinh tế, văn hóa, quân sự, thể thao, thanh niên, tôn giáo, ấn loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v...", nghĩa là nhằm đồng hóa toàn bộ đời sống xã hội.
P.Toliati, trong "Những Bài Giảng Về Chủ Nghĩa Phát Xít" đã xem phát xít Italia như "chế độ độc tài", "nhà nước độc tài". Với những khái niệm này, Toliati đã nêu bật được bản chất của chế độ phát xít và xây dựng những nội dung sau:
Thiết lập "chính quyền độc nhất" hay cơ cấu một đảng quyền của chế độ phát xít bằng cách dùng bạo lực hủy diệt tất cả những đảng phái và tổ chức quần chúng khác, không kể là cánh tả hay cánh hữu;
Ðảng phát xít khống chế nhà nước, biến nhà nước thành công cụ của nó;
Thiết lập hệ thống các tổ chức quần chúng quốc gia, và thông qua chúng đảng phát xít kiểm soát toàn bộ xã hội công chúng (tổ chức công đoàn, thanh niên, tổ chức Dopolavoro), v.v..;
Thành lập hệ thống hợp tác xã như cơ sở kinh tế của nhà nước phát xít và "chế độ phát xít" (Muxolini) tương lai.
Trong tác phẩm Sau Franco "Ði Hướng Nào", Cantiago Carino đã xác định chế độ phát xít Tây Ban Nha như "chính quyền độc tài" và "chuyên chính độc tài".
Trong tác phẩm Tây Ban Nha Thế Kỷ 20 của Hoxe Garxia, chúng ta có thể bắt gặp những nhận định về chế độ phát xít như "chuyên chính độc tài phát xít tập trung", nhà nước với "đặc thù độc tài", "chế độ độc tài phát xít", hay "nhà nước độc tài phát xít", v.v...
Như vậy khái niệm "nhà nước độc tài" mang ý nghĩa như là nhà nước phát xít lý tưởng và thuần nhất cho một nhóm cụ thể những hiện tượng, để sau đó có thể dùng mô hình này làm cơ sở, đi sâu vào bản chất đặc trưng của từng hiện tượng riêng biệt.
Xây dựng mô hình nhà nước phát xít "lý tưởng" có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt, nó cho phép chúng ta trong những trường hợp cụ thể, xác định một nước nào đó có thể xem là nhà nước phát xít hay không.
Và thí dụ, nếu không có mô hình tổng quát về nhà nước phát xít điển hình, thì không thể phát hiện được "tính chất đặc biệt" của chế độ phát xít Bungaria. Trước khi xác định tính chất dân tộc đặc biệt của một chế độ phát xít cụ thể (Bungaria, Rumania, Hunggaria hay Anh), cần phải nhận biết được thế nào là chế độ phát xít và những dấu hiệu cơ bản của nhà nước này.
Trên cơ sở những phân tích đã nêu, con đường nhiều hứa hẹn nhất để xây dựng được mô hình nhà nước phát xít lý tưởng là nghiên cứu cấu trúc của các nhà nước phát xít điển hình, nhằm phát hiện những nét chung tiêu biểu nhất, mà thiếu chúng một nhà nước cụ thể không thể là phát xít. Bằng phương pháp so sánh, chúng ta thu được những đặc thù cơ bản sau đây cho một nhà nước độc tài
 Thiết lập cơ chế một đảng quyền bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái khác;
 Sát nhập đảng phát xít và nhà nước;
 Ðồng hóa toàn bộ đời sống xã hội;
 Tư duy uy tín với tôn thờ lãnh tụ dân tộc;
 Trại tập trung cải huấn.
Tất nhiên, các nghiên cứu mà tác giả làm ở đây chưa thể giải quyết được ngọn nguồn mọi vấn đề đặt ra. Mục đích những nghiên cứu này khiêm tốn hơn nhiều: nhằm chỉ ra một hướng khác trong quá trình nghiên cứu chế độ phát xít và góp phần tiến tới xây dựng "Lý thuyết thống nhất về chế độ phát xít".

Chế Ðộ Phát Xít
Cấu trúc của một nhà nước phát xít Phần I(b)

2- Ðảng phát xít - "Nhà nước của nhà nước".
Quá trình sát nhập giữa đảng và nhà nước diễn ra sâu sắc và triệt để đến mức, sau khi kết thúc, không còn có thể phân biệt được đảng bắt đầu từ đâu và nhà nước kết thúc ở đâu. Các tổ chức nhà nước mang trong mình linh hồn đảng, còn những tổ chức đảng thì mang tính chất nhà nước, quốc gia và cảnh sát quan liêu. Như C.M. Xlobod đã nhận xét, đảng Phát Xít Italia đã phải trả giá quá đắt cho mối quan hệ thân thuộc với nhà nước. Nó đánh mất cái vỏ ngoài của một đảng chính trị và trở thành một tổ chức quan liêu sơ đẳng: "Ðồng thời với quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước là quá trình nhà nước hóa đảng phát xít, biến đảng này thành một tổ chức nửa vời, ngày càng dựa vào bộ máy quan liêu và lực lượng vũ trang như chính quyền nhà nước."
Nhưng không phụ thuộc vào việc sát nhập này, đảng phát xít vẫn giữ vai trò là đảng độc quyền, tự hình thành như cơ quan cao cấp, đứng trên nhà nước. Như vậy đảng phát xít mang ý nghĩa "nhà nước của nhà nước" chỉ huy và kiểm soát nhà nước. Hitler đã từng hài lòng tuyên bố: "Không phải nhà nước ban hành sắc lệnh cho chúng ta, mà là chúng ta ban hành sắc lệnh cho nhà nước." Rõ ràng nhà nước không có quyền điều hành đảng phát xít.
Tại đại hội đảng ở Niurnberg vào năm 1937, P. Lai đã nêu thành công thức về mối quan hệ giữa Ðảng Công Nhân Quốc Xã và nhà nước như sau: "Ðảng quyết định, còn Nhà nước thực hiện các biện pháp về hành chính."
Với sắc lệnh về các công sở dân sự Ðức ban hành ngày 26.1.1937, Ðảng Quốc Xã có quyền gián tiếp kiểm tra mọi công việc cuả các cơ quan nhà nước. Và, từ ngày 30.9.1938, các cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng được quyền kiểm tra công tác của các tổ chức tòa án. Ðiều này đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu của chính quyền quốc xã và giờ đây được pháp luật hóa.
 
         A. Ðảng phát xít đứng trên pháp luật nhà nước.
Trong chế độ độc tài, vai trò đặc biệt của đảng phát xít không chỉ được thể hiện ở sự chuyên chính độc tài và quyển kiểm soát nhà nước, mà còn ở chỗ mọi luật lệ nhà nước không có hiệu lực đối với đảng và các đảng viên. Trong chế độ quốc xã, các đảng viên không thể bị xét xử tại các tòa án dân sự thông thường. Khi phạm tội, trước hết đảng viên cần phải được "Tòa án Ðảng" khai trừ khỏi Ðảng, sau đó mới chuyển giao cho tòa án quốc gia xét xử như một tội phạm thông thường của Ðế Chế Ðệ Tam. Các thành viên SS cũng không thể bị xét xử ở những tòa án quân sự, mà phải xử theo luật của Bộ Chỉ Huy SS.
Theo Chỉ Thị được Phó Thống Lĩnh ban hành ngày 17.2.1934, các tòa án đảng "có mục đích giữ gìn sự trong sạch cho đảng và các đảng viên, và nếu cần thiết có thể gạt bỏ công khai những ý kiến phản kháng của các đảng viên... Các tòa án đảng chỉ tuân theo sự chỉ đạo quốc xã và không thuộc quyền bất cứ lãnh tụ chính trị nào; chúng chỉ thuộc quyền của Thống Lĩnh.
Nói cách khác, những đảng viên Ðảng Công Nhân Quốc Xã và thành viên SS được đặt trên các tòa án dân sự, không phụ thuộc vào chúng và có thể thay đổi những văn bản tuyên án chúng. Hiện tượng phổ biến là xóa án cho bọn tội phạm có công lao với chế độ, hoặc các bản tuyên án bị những cơ sở đảng cao cấp sửa đổi.
Những kẻ giết người Do Thái năm 1938 được tha bổng, với lời biện bạch: "Trong trường hợp giết người Do Thái có chủ ý hay không có chủ ý thì vẫn bị xem là không có tội. Tận đáy lòng mình, những người này đã tin tưởng rằng bằng hành động đó họ đã thể hiện nguyện vọng phục vụ Thống Lĩnh và Ðảng."
Những đảng viên quốc xã phạm tội đều được ân xá: "Vào năm 1935, một số cai ngục trong trại tập trung cải huấn Hohstain, bị buộc tội đối xử tàn nhẫn với tù nhân. Những cán bộ quốc xã cao cấp đã thử gây áp lực với các quan tòa, nhưng sau khi xem xét, Hitler đã tha bổng tất cả ..."
Việc đình chỉ không xét xử những tội ác do các thành viên SS, SA, và Zetapo gây ra được biện bạch như sau: "Vì những hành vi này không phát xuất từ những mục đích thấp hèn, mà ngược lại, chúng thể hiện lòng yêu nước cao cả và giúp cho sự phát triển của nhà nước quốc xã, việc đình chỉ vụ án không nên xem như những trường hợp bình thường trong khi vận dụng pháp luật."
Những vụ giết người, cướp của và phá hoại trong thời gian các chiến dịch bài trừ Do Thái vào năm 1938, được Zetapo, các tổ chức đảng, các Bí Thư Khu ủy, và các lãnh đạo chính trị cao cấp điều tra và kết luận như sau: "Trong các trường hợp này, khi người Do Thái bị giết không có lệnh hoặc theo lệnh, đều không phát hiện thấy những nguyên nhân xuất phát từ bản tính man dạị" Và mục đích của quá trình điều tra, do "Tòa an Ðảng" tiến hành này là nhằm: "Ðể bảo vệ những đồng chí đảng viên đã hành động xuất phát từ những tình cảm và tư tưởng quốc xã cao đẹp nhất."
Trong đoạn trích dẫn sau cùng này thể hiện rõ ràng tính chất đặc biệt cơ bản về luật lệ trong chế độ độc tài: đảng phát xít đứng trên mọi luật lệ nhà nước, các thành viên và tổ chức đảng không bị pháp luật ràng buộc. ở đây, tòa án không có gì khác hơn là cơ quan trực thuộc của đảng phát xít, có nghĩa vụ phải thi hành nguyện vọng của đảng: thứ nhất, các quan tòa đều là đảng viên; thứ hai, tòa án không có cơ quan ấn loát độc lập với nhà nước và đảng.
Tất nhiên đôi khi, trong những tổ chức "Tư Pháp" có thể có cả những thành viên không đảng phái, song điều đó hoàn toàn không làm thay đổi vấn đề. Những người như thế thường còn tỏ ra cố gắng hơn bọn quốc xã chính hiệu, và về sự cống hiến của họ, đối với chế độ, được thể hiện bằng những hành động còn dã man hơn.
Một "cán bộ lãnh đạo đảng có trọng trách" (Bí thư Khu Ủy hoặc Bí Thư Tỉnh Ủy) có thể gây ảnh hưởng hay đình chỉ vụ án, đặc biệt là sau năm 1938. Nếu bị can là đảng viên phát xít có nhiều thành tích đối với đảng, và nếu lãnh đạo đảng thấy bị can cần phải được ân xá, họ thường chỉ đọc lời tuyên án cho quan tòa qua điện thoại. ở đây, Tính Khách Quan không có gì khác hơn là "ảo ảnh của quyền tự do hình thức." Trước tiên người làm công tác pháp lý cần phải ghi nhớ lời của Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Cerl: "ảo ảnh của quyền tự do hình thức là, các đồ đệ của công lý cần phải khách quan. Giờ đây chúng ta đã chạm đến cội nguồn của sự khác biệt giữa dân tộc và pháp lý, và về sự khác biệt này, bao giờ pháp lý cũng có sai lầm. Bởi vì, thế nào là khách quan trong cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc?
Vì lý do này, ta cần tự hiểu rằng pháp lý của một dân tộc đang đấu tranh giữa cái sống và cái chết, không thể dựa trên tính khách quan chết chóc. Mọi luận điểm của quan tòa, công tố viên và luật sư cần phải được xác định triệt để trên một quan điểm.
Không có khách quan vô nguyên tắc- dấu hiệu của trì trệ, xa lạ và khác biệt với dân tộc, mọi biểu hiện của tập thể và cá nhân cần phải phục vụ cho những hy vọng của nhân dân và dân tộc."
Ðây là những nguyên tắc cơ bản của pháp lý tại các nhà nước phát xít - Tính Khách Quan tội lỗi và sự biến đổi của nó dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng phát xít.
Ðoạn trích dẫn trên, dù sao, cũng mới phản ánh vấn đề này trong giai đoạn đầu chế độ quốc xã, khi nguyên tắc khách quan, trong nhận thức đa phần của bọn quốc xã, gắn liền với yêu cầu "lịch sử", với những mục tiêu vĩ đại của "cuộc cách mạng." Vào những ngày cuối cùng của Ðế Chế, yêu cầu tối thiểu này đối với mọi cơ quan tư pháp càng trở nên quỷ quyệt và tráo trở . Trong lời giới thiệu cho tạp chí Dax Raix (tạp chí lý luận cuả Gobelx) vào năm 1942 có viết: "Người quan tòa càng thấm nhuần tư tưởng quốc xã bao nhiêu, thì càng tuyên án khách quan và công bằng bấy nhiêu."
     B - Tư tưởng của đảng quốc xã trở thành hệ tư tưởng chính thức của nhà nước.
Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng sự thống nhất của đảng phát xít và nhà nước chỉ dừng lại ở việc chỉ sát nhập bộ máy đảng và nhà nước. Thực chất, sự thống nhất này mang nội dung sâu rộng hơn nhiều và bao hàm cả lĩnh vực tư tưởng. Tư tưởng của đảng Quốc Xã, nhằm xây dựng nhà nước theo kiểu đồng mẫu đồng dạng với nó, được chuyển giao cho nhà nước và trở thành tư tưởng quốc gia. Ðiều này cũng giống như lá cờ của Ðảng Công Nhân Quốc Xã trở thành quốc kỳ nước Ðức.
Ðảng Quốc Xã là một đảng độc quyền. Vì vậy tư tưởng của nó không có gì khác hơn là tư tưởng độc quyền, hủy diệt mọi sự cạnh tranh của những quan điểm và những tư tưởng khác nó. Và sự thống trị hợp pháp của chủ nghĩa phát xít vè tư tưởng không tránh khỏi chuyển thành cuồng tín và mê muội.
Hitler tuyên bố: "Khi theo đuổi những mục đích đã định, cần phải tiêu diệt những kẻ cản trở ." Gobelx cũng khai phủ nhận mọi tư duy khác với tư duy quốc xã: "Những người quốc xã chúng ta khẳng định, chúng ta có quyền. Do đó chúng ta không thể cho phép kẻ nào đó tự xem là đúng đắn, bởi vì điều đó có nghĩa: người này phải là quốc xã, và nếu người đó không phải là người quốc xã, thì không thể đúng."
Ðể hủy diệt mọi tư tưởng khác và thiết lập sự thống trị tuyệt đối cho hệ tư tưởng cuả mình, nhà nước phát xít xử dụng những công cụ khủng bố đặc biệt. Nó dùng cả khủng bố thể chất và trại tập trung cải huấn. Ðây là dấu hiệu cơ bản của chủ nghĩa phát xít trong tư tưởng. Chỉ ở nhà nước phát xít, mới tồn tại hiện tượng có một không hai trong thế kỷ 20 - giam người ở trong trại tập trung cải huấn chỉ vì người ta nghĩ khác nhà nước phát xít, thậm chí kể cả khi người ta không thể hiện công khai điều đó (cái gọi là "bắt giam triệt để") . Nhà nước độc tài không thể cho phép những công dân "suy nghĩ khác biệt" được tồn tại tự do (nghĩa là ở ngoài trại tập trung). Trên quan diểm nhà nước, nhằm đạt được sự thống trị tư tưởng triệt để, những người này là mối đe dọa thực tế, bởi vì họ tung ra những dư luận có hại, làm "ảnh hưởng đến tinh thần" của nhân dân, làm mai một sự thống nhất chính trị của "nhân dân", làm lung lay niềm tin cuả họ đối với sự đúng đắn cuả sự nghiệp phát xít và sự thông thái của lãnh tụ .
Chúng ta không nên quên rằng nhà nước phát xít là một hệ thống tập trung liên tục và nghiêm ngặt, mọi bộ phận riêng lẻ liên quan chặt chẽ với nhau, và không thể chấp nhận những lệch pha trong quá trình hoạt động. Chỉ cần một chi tiết không hài hòa với hệ thống có thể dẫn đến sự đổ vỡ tổng thể . Thí dụ, chỉ cần có sự tự do in ấn cũng đủ để cho hệ tư tưởng phát xít phá sản, hay tự do bầu cử sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống chính trị . Ðôi khi một phiên tòa công khai cũng làm lung lay đáng kể nền móng của chế độ này.
Vì sự ràng buộc và phụ thuộc tương hỗ đặc biệt nghiêm ngặt giữa các bộ phận, chế độ độc tài phát xít trở nên rất mẫn cảm đối với cả những biến đổi nhỏ nhất. Vì vậy nó phản ứng một cách tàn bạo. Ðây là lý do tại sao chế độ độc tài phát xít không thể chấp nhận và theo dõi gắt gao những người có suy nghĩ và hành động tự do. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến lòng căm
thù man dại đối với tư tưởng tự do của nền dân chủ tư sản truyền thống được thể hiện trong tất cả những tác phẩm và công trình của các nhà tư tưởng và lý thuyết phát xít. Chế độ phát xít căm thù nền dân chủ tư sản vì nó chấp nhận cái mà đối với chế độ phát xít là vô cùng nguy hiểm: sự khoan nhượng.
Nhà nước phát xít có thể không do bọn phân biệt chủng tộc hay bọn bài Do Thái lãnh đạo, như ở Italia và một vài dạng nhà nước phát xít khác - đó không phải là điều bắt buộc - nhưng nó cần phải căm thù tính đa quan điểm và sự khoan nhượng của chủ nghĩa tự do như một tư tưởng. Thiếu cái đó, nó không thể tồn tại.
Khi nhấn mạnh sự cần thiết của bảo thủ trong lĩnh vực tư tưởng, Hitler tuyên bố: "Một tư tưởng nếu không muốn bị hủy diệt thì bắt buộc phải trở thành bảo thủ, nghĩa là bảo vệ tính đứng đắn của những quan điểm và chỉ thị của mình trong mọi hoàn cảnh... Ngày nay có một số người không muốn hiểu sự cần thiết cuả bảo thủ quốc xã, nhưng trên thực tế đó là nhận thức về trách nhiệm."
Ðể thiết lập sự thống trị tuyệt đối tư tưởng của mình trong nhà nước, đảng phát xít tiến hành hàng loạt những biện pháp: thứ nhất, với việc hủy diệt những đảng phái khác, đảng phát xít đồng thời tiêu diệt cả những hệ tư tưởng của chúng; thứ hai, kiểm soát tất cả những phương diện tuyên truyền của xã hội và nhà nước (diễn đàn, phim ảnh, nhà hát, phát hành sách..."; thứ ba, tuyên truyền cho hệ tư tưởng phát xít bằng mọi phương tiện và biện pháp; thứ tư, kiểm soát hệ thống giáo dục từ mẫu giáo cho đến năm học cuối cùng trong trường đại học; thứ năm, cách ly hệ tư tưởng quốc gia để các hệ tư tưởng khác không thể xâm nhập được.
Với mục đích hủy diệt mọi hệ tư tưởng khác và thiết lập sự thống trị tuyệt đối cho hệ tư tưởng cuả mình trong nhà nước, đảng phát xít kết hợp chặt chẽ với những tổ chức quần chúng quốc gia tiến hành những chiến dịch sâu rộng, nhằm tiêu hủy những tác phẩm văn học dân chủ tiến bộ, tẩy chay những truyền thống dân tộc dân chủ của nền văn hóa đi ngược lại tinh thần độc tài phát xít.
Trong cuộc tranh giành sự thống trị tư tưởng toàn diện, đảng phát xít còn đi xa hơn nữa. Nó giải tán tất cả những tổ chức tôn giáo, thậm chí cả những tổ chức lành mạnh nhất, không liên quan gì đến chính trị, nếu những tổ chức này chứa trong mình khả năng nào đó, mà trong những điều kiện xác định, có thể sinh ra những tư tưởng hoặc quan niệm khác với tư tưởng cuả đảng phát xít.
Ðảng phát xít, đặc biệt là Hitler rất căm thù đạo Thiên Chúạ Tại biệt thự của mình ở tại Oberzalberg, Hitler đã từng tâm sự với những người thân cận: "Chúng ta có nỗi bất hạnh vô bờ là mang một tôn giáo sai lầm. Tại sao chúng ta không có thứ tôn giáo như những người Nhật Bản, xem việc hy sinh cho tổ quốc là trên hết? Thậm chí cả đạo Hồi vẫn còn tốt cho chúng ta hơn là Thiên Chúa Giáo, với sự nhẫn nhục rồ dại của nó."
Ban lãnh đạo quốc xã tổ chức tấn công nhà thờ Thiên Chúa một cách hệ thống. Trong tài liệu mật của Văn Phòng Trung Ương Ðảng, vào tháng 6.1941 M. Borman viết: "Cần phải cách ly hơn nữa giữa nhân dân với nhà thờ và những tổ chức cuả nó- các mục sư... Không thể để nhà thờ tiếp tục gây ảnh hưởng tới nhân dân và lãnh đạo họ . Ảnh hưởng này cần phải hủy diệt triệt để và mãi mãi. Chỉ có chính phủ, đảng, các cơ sở và tổ chức cuả đảng mới có quyền lãnh đạo nhân dân."
Tên trùm quốc xã này không chấp nhận để các mục sư giáo dục và dạy bảo nhân dân, hoặc đơn giản là làm ảnh hưởng đến cấu thành tinh thần cuả họ . Ðiều này đối với Borman là đi ngược lại sự thống trị tư tưởng cuả đảng, được xem như một tiên đề. Cần phải nói rằng, chỉ có phát xít Ðức mới tấn công nhà thờ Thiên Chúa. Phát xít Italia và Tây Ban Nha không tấn công tôn giáo, mặc dù ở đây nhà thờ và thế giới tinh thần cũng có những vấn đề về giáo dục thế hệ trẻ . Ðó là điểm riêng biệt cuả phát xít Ðức, thể hiện một trong những khía cạnh đặc trưng cuả chế độ độc tài - tham vọng về thống trị tinh thần tuyệt đối, điều mà cả phát xít Italia và Tây Ban Nha đều mong muốn, nhưng các nước này không bao giờ đạt được trường hợp lý tưởng như của Ðức, vì ở Italia và Tây Ban Nha, đạo Thiên Chúa là bá chủ duy nhất, không thể chia cắt.
Ðương nhiên cuộc tấn công tôn giáo của đảng quốc xã dù tàn bạo đến đâu cũng không bao giờ đạt được chủ nghĩa vô thần, bởi vì không một nhà nước phát xít nào có thể hủy diệt được toàn bộ niềm tin. Chống lại tư tưởng Thiên Chúa, nhà nước phát xít nhằm mục đích nhồi nhét một thứ tư tưởng khá c- tư tưởng quốc xã của đảng phát xít.
Ý nghĩa cuả cuộc tấn công tôn giáo này không phải nhằm hủy diệt niềm tin trong nhận thức và tư duy, mà là thay thế niềm tin này bằng một niềm tin khác. Chủ nghĩa vô thần thực sự đồng nghĩa với tự do suy nghĩ, trao quyền tự do tinh thần không hạn chế cho các cá thể, điều mà các nhà nước phát xít không bao giờ có thể cho phép.
III. Ðồng hóa toàn bộ đời sống xã hội
Trong những điều kiện của nhà nước độc tài, khái niệm "đồng hóa" không đơn giản chỉ là đồng nhất đời sống xã hội bằng cách tiêu chuẩn hóa nền kinh tế quốc dân. Ở đây muốn nói đến sự đồng nhất, nhờ đó quyền kiểm soát của đảng đối với nhà nước và tiếp theo - đối với xã hội được thiết lập. Ðây là sự đồng nhất chính trị, thông qua đó đảng phát xít phân chuyển quyền thống trị của mình trên mọi lãnh vực xã hội: nghệ thuật, văn học, thị hiếu, thú vui... thậm chí cả những vấn đề nội bộ của từng gia đình - những lĩnh vực mà ở nền dân chủ truyền thống nằm ngoài khuôn khổ kiểm soát của nhà nước và các đảng phái chính trị .
Sự đồng hóa bao gồm - chúng ta hãy đọc hồ sơ của tòa án Nuernberg - "quyền lực... của đảng được trải khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân. Ðảng lãnh đạo nhà nước, đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang, đảng lãnh đạo tất cả mọi cá nhân trong nhà nước. Ðảng hủy diệt mọi tổ chức, mọi nhóm và mọi cá nhân không chấp nhận sự lãnh đạo của thống lĩnh".
(84-570)
Sự đồng hóa bắt đầu trước tiên ở lĩnh vực chính trị thuần túy bằng cách bãi bỏ mọi hình thức tự trị địa phương và chủ nghĩa liên bang. Toàn quyền nằm trong tay chính quyền tập trung đảng - nhà nước, biến bộ máy lãnh đạo ở địa phương thành công cụ sai khiến, thi hành mọi mệnh lệnh cấp trên giao.
Valter Fric, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ đầu tiên trong chính phủ Hitler, trong một bài báo năm 1935 đã viết:
"Mối quan hệ giữa Ðế Chế và các tỉnh lẻ giờ đây được xây dựng trên những nguyên tắc mới mẻ, chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc Ðức. Chính phủ Ðế Chế có quyền lực vô biên. Không chỉ riêng quyền lực mà cả nghĩa vụ của chính phủ cũng trở thành của Ðế Chế. Từ nay về sau chỉ còn tồn tại duy nhất một uy tín dân tộc - Ðế Chế. Như vậy, Ðế Chế Ðức trở thành một nhà nước đồng nhất, và toàn bộ cơ cấu hành chánh ở tỉnh lẻ chỉ còn thi hành theo mệnh lệnh của Ðế Chế hay trên danh nghĩa Ðế Chế. Biên giới giữa các tỉnh chỉ mang tính chất hành chính, hoàn toàn không bảo vệ chủ quyền cho các tỉnh này.
Với quyết tâm không gì lay chuyển nổi nhằm bảo vệ nhân dân Ðức, chính phủ Ðế Chế luôn luôn đi theo ước vọng ngàn đời của dân tộc Ðức - thiết lập nhà nước quốc xã đồng nhất." (89-69)
Bãi bỏ quyền tự trị địa phương - bước đồng nhất chính trị đầu tiên của chính quyền nhà nước - cũng được thể hiện rõ nét ở Italia. 
Bọn phát xít nắm được những yếu điểm của quyền tự trị địa phương để xóa bỏ nó; đồng thời xây dựng hệ thống chính trị tập trung nghiêm ngặt của mình. Những yếu điểm này gồm: Quyền tự trị địa phương khiến chúng mâu thuẫn với chính quyền tập trung, do đó "địa phương và nhà nước xem nhau như kẻ thù." (112-79); Quyền tự trị địa phương gây nên những cuộc tranh chấp ngấm ngầm xung quanh việc bầu thị trưởng và các cố vấn khác, biến bầu cử từ công cụ thành mục đích.
Nói cách khác, quyền tự trị địa phương cản trở nhà nước hoạt động linh hoạt, mà mọi việc chỉ được thực hiện bởi "cán bộ nhà nước có năng lực và trong sạch (!), chịu sự chỉ đạo và kiểm soát trực tiếp của chính quyền nhà nước." (112-77)
Tất nhiên bọn phát xít hủy diệt được quyền tự trị địa phương, không phải vì đã làm cho các địa phương hiểu rõ tính ưu việt của chính quyền tập trung, mà vì trước đó sự thống trị chính trị của đảng phát xít đã được thiết lập ở khắp nơi (bằng cách hủy diệt các đảng phái khác) và do đó chúng có quyền tự do làm theo ý mình.
Bằng sắc luật ban hành ngày 4.2.1926, đảng phát xít thông qua chính phủ Muxolini hủy diệt mọi quyền tự trị của các địa phương và biến chúng thành những chi nhánh của chính quyền nhà nước tập trung, cũng như trước đây nó đã làm như thế đối với chính phủ và nghị viện; đồng thời xây dựng nhà nước phát xít đồng nhất, tác động chính xác đến từng mắt xích theo ý muốn của đảng này.
Một khi đạt được điều đó, đảng phát xít tiếp tục đồng nhất toàn bộ xã hội. Muxolini đã nói về vấn đề này như sau: "Chính quyền cần thống nhất và duy nhất. Nếu không như thế, nhà nước sẽ bị tan rã... nghĩa là phủ nhận một trong những kết quả thắng lợi to lớn nhất của sự nghiệp phát xít: phấn đấu cho một quốc gia hùng mạnh, lâu bền và uy tín, làm cho nó thống nhất tuyệt đối như một nhà nước phát xít thực sự . Sau cách mạng, đảng ta và các cơ sở đảng trở thành vũ khí sáng tạo và là một trong những nguyện vọng của nhà nước ở trung ương, cũng như ở các tỉnh lẻ ." (112-78)
Quá trình đồng hóa bắt đầu trong lĩnh vực chính trị và tiếp diễn theo hai hướng: trong cuộc sống tinh thần của xã hội và trong nền kinh tế quốc dân. Nhưng vì những điều này được tiến hành dựa trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và tư tưởng của đảng phát xít, do đó trước tiên chúng ta cần nghiên cứu cấu trúc và những nguyên tắc của đảng này. Việc nghiên cứu này là chìa khóa giúp chúng ta đi sâu tìm hiểu quá trình đồng hóa độc tài.
 
1.Vai trò của đảng quốc xã.
Ngay từ đầu, Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức đã được xây dựng với mục đích điều hành nhà nước và đời sống xã hội. Trong điều lệ đảng ghi rõ: "Chúng ta xây dựng sự lãnh đạo của đảng trên cơ sở lãnh đạo chính trị nhà nước." (89-19 ). Ðảng quốc xã công khai đồng nhất bản thân mình với dân tộc Ðức và những quyền lợi dân tộc: "Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức thể hiện quan điểm chính trị, nhận thức chính trị và nguyện vọng chính trị của dân tộc Ðức. Quan điểm chính trị, nhận thức chính trị và nguyện vọng chính trị này được tỏ rõ trong nhân cách của Thống Lĩnh. Trên cơ sở những chỉ thị của Thống Lĩnh và kết hợp với cương lĩnh của Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức, các cơ quan lãnh đạo Ðế Chế xác định mục đích chính trị của nhân dân Ðức. Các cán bộ lãnh đạo Ðế Chế, nghĩa là các thủ lĩnh của đảng, nắm giữ huyết mạch những tổ chức của nhân dân Ðức và các huyết mạch này quy tụ với những huyết mạch của các cơ quan cao cấp nhà nước." (89-11)
Ðể có thể thực hiện được sự lãnh đạo này, đảng phải mang hình thức một tổ chức tập trung nghiêm ngặt, trong đó mọi thành viên giữ vai trò như một người lính thi hành vô điều kiện mệnh lệnh của cấp trên. Ðiều lệ đảng ghi rõ: "Cơ sở tổ chức của đảng là nguyên tắc tập trung". Tham gia đảng là đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi cá nhân. Cương lĩnh của đảng là giáo lý, không thể nghi ngờ hay công kích; vào đảng là để phấn đấu hết sức mình cho đảng. "Cương lĩnh này - điều lệ đảng viết - cần phải xem như giáo lý của đồng chí. Nó đòi hỏi sự phục tùng toàn diện cho phong trào quốc xã... Phục vụ cho phong trào là đúng đắn và cũng là phục vụ cho nước Ðức." (89-25). Và tiếp theo, cũng trong điều lệ: "Thống lĩnh sáng lập Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức. Người đã cống hiến cho đảng tinh thần, nguyện vọng của mình, và với sự giúp đỡ của đảng, ngày 3.1.1930, Người đã giành được chính quyền. Nguyện vọng Thống Lĩnh là tối cao trong đảng". (89-28)
Ðảng Quốc Xã là trường học về sự phục tùng. Người đảng viên tốt nhất là người phục tùng và thi hành vô điều kiện mệnh lệnh của cấp trên. Lòng tận tụy đối với đảng là phẩm chất cơ bản trong việc thăng cấp cán bộ . "Chỉ có những người đã trải qua trường học phục tùng của đảng mới xứng đáng giữ những vị trí lãnh đạo cao cấp. Chúng ta chỉ cần những cán bộ lãnh đạo biết tự nâng mình lên. Tất cả những lãnh đạo chính trị không đáp ứng được yêu cầu này cần phải từ chức hoặc phải bổ nhiệm xuống những cương vị như Bí Thư Chi Bộ, Bí Thư Ðảng Bộ để học hỏi thêm." (89-392)
Sự thật là, về hình thức, Ðảng Quốc Xã được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, không ai bắt buộc phải tham gia vào đảng, và điều này được ghi rõ trong điều lệ . Nhưng với sự sát nhập giữa đảng và nhà nước, đảng trở thành một tổ chức quốc gia, chi phối số phận của mọi công dân; đảng chia quyền, chia ân huệ, và nguyên tắc trên, vì thế mà bị phá vỡ hoàn toàn. Vấn đề chỉ riêng các đảng viên mới có thể trở thành công chức của nhà nước quốc xã đã khiến hàng loạt quần chúng phải vào đảng, và những ai đã vào rồi thì không thể bỏ được nữa. Bị khai trừ khỏi đảng là vô cùng nguy hiểm, còn hơn cả khi không tham gia sinh hoạt đảng. Vì sự ràng buộc chặt chẽ giữa đảng và nhà nước, "bị khai trừ khỏi đảng cũng đồng thời mất luôn phương tiện để tồn tại." (89-392)
Những công chức đảng viên phải chịu hai tầng áp bức: từ phía cán bộ đảng và từ phía các thủ trưởng hành chính, cũng là đảng viên và có quan hệ mật thiết với Ban lãnh đạo đảng.
Ðây là một trong những trường hợp cụ thể, khi đảng phát xít độc quyền sát nhập với bộ máy nhà nước, trở thành một tổ chức quân sự quan liêu, loại bỏ nguyên tắc tự nguyện và không còn là một đảng chính trị theo ý nghĩa đặc trưng của từ này. Bởi vì mọi đảng phái chính trị đều phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện và quan điểm; Một đảng, thành lập với ý đồ lãnh đạo nhà nước, không thể không chấp nhận những nguyên tắc muôn thuở của nhà nước: quan liêu, tập trung quan liêu, uy tín, bảo thủ, cưỡng ép và khủng bố.
Ðây cũng là bối cảnh mâu thuẫn của đảng phát xít trong những điều kiện của nhà nước độc tài. Về hình thức, trong điều lệ, đảng được xây dựng trên một thứ nguyên tắc - tự nguyện, còn nguyên tắc trong cuộc sống và tinh thần nội bộ của đảng lại hoàn toàn khác, thậm chí đối ngược. Theo điều lệ, vào đảng là tự nguyện, còn trên thực tế là bắt buộc. Bởi vì muốn có vị trí xác định trong công sở nhà nước thì bắt buộc vào đảng. Phẩm chất công tác, khả năng, bậc thợ còn đứng sau một yêu cầu căn bản: có phải là đảng viên không?
Trong chế độ phát xít, do việc sát nhập với nhà nước, đảng cầm quyền đánh mất cả những tàn dư dân chủ cuối cùng trong cuộc sống nội bộ, trở thành một tổ chức cảnh sát quân sự, giải quyết mọi mâu thuẫn bằng nhà tù và tử hình. Trong đảng không còn tranh luận, bàn bạc chính trị, nguyện vọng công khai, mà chỉ có sự thống nhất mù quáng, sự phục tùng đồng loạt câm lặng, do thám và tố cáo lẫn nhau. Thay cho dân chủ là bè phái chính trị, thay cho công khai là mờ ám. Ðảng trở thành hội những người chung ý nghĩ, cùng một tư duy, vì họ không dám nghĩ.
Vì lý do này, Ban lãnh đạo đảng không bao giờ bị thay đổi theo nguyện vọng và ý muốn của quần chúng đảng viên - một điều bình thường đối với một đảng chính trị. Trong lịch sử của chủ nghĩa phát xít, chưa từng có trường hợp nào mà các đảng viên có thể lật đổ Ban lãnh đạo đảng và thay thế bằng những người mới. Nếu có sự biến đổi nào đó trong thành phần Ban lãnh đạo thì thường là do cấp trên tiến hành. Mọi ý đồ thay đổi lãnh đạo bị giới cầm quyền chóp bu xem như dấu hiệu thiếu tin tưởng, làm lung lay nền móng của đảng và bị trừng phạt dã man. Giới cầm quyền chóp bu nắm giữ mọi phương tiện kiểm soát và trừng phạt, trong khi quần chúng đảng viên hoàn toàn không có chút quyền hạn gì, và thực tế không có khả năng chống đối lại đảng. Quần chúng đảng viên thậm chí không có cả quyền được phát hành báo chí, để trong trường hợp không đồng ý với ban lãnh đạo có thể nói lên ý kiến của mình. Cơ quan ngôn luận của đảng chỉ cho phép quần chúng đảng viên được quyền sử dụng khi họ bảo vệ đảng mà thôi. Trong lời khai tại tòa án Nuernberg, Goring nêu rõ: "Chúng tôi thấy cần thiết không thể để bất kỳ xu hướng chống đối nào được phép tồn tại. Nếu ai cũng biết rằng, nếu chống đối lại đảng sẽ phải vào tập trung cải huấn... điều đó đối với chúng tôi rất có lợi." (90-60)
Ðặc thù cảnh sát trong đảng phát xít còn được thể hiện đặc biệt rõ ở vấn đề rằng, đảng viên không được tự ý rời bỏ đảng, mà chỉ được ra khỏi đảng khi ốm nặng hoặc chết. Trong trường hợp vẫn cố tình từ bỏ đảng, người đó cần phải bị khai trừ.
Việc từ bỏ đảng là không thể cho phép vì đối với quan điểm quốc xã, cá nhân đó có thể không còn phụ thuộc vào đảng, thậm chí chống lại đảng.
2. Cấu trúc của Ðảng Công Nhân Quốc Xã. Cấu trúc của Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức được xác định từ mục tiêu chiến lược của nó - lãnh đạo nhà nước và nhân dân. Vì thế đảng được xây dựng trên nguyên tắc lãnh thổ . Ðế Chế được chia thành vùng(khu), khu chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã, xã chia thành thôn. Ðứng đầu một đơn vị lãnh thổ là một lãnh đạo đảng: Thủ lĩnh vùng (Bí thư khu ủy), Thũ lĩnh tỉnh (Bí thư tỉnh ủy), Thủ lĩnh huyện (Bí thư huyện ủy), Thủ lĩnh xã (Bí thư đảng bộ), Thủ lĩnh thôn (Bí thư chi bộ) . Lãnh đạo đảng ở Trung ương gọi là Thủ lĩnh Ðế Chế (Raihxlaiter). Thủ lĩnh Ðế Chế gồm: Himler, Gobelx, Rozenberg, Hex, Lai, Dare... Mỗi Thủ lĩnh Ðế Chế phụ trách một bộ phận của đảng. Thí dụ: Gobelx phụ trách tuyên truyền, Rozenberg - giáo dục tư tưởng và chính trị cho các đảng viên...
Ðứng đầu đảng là Thống Lĩnh. Nguyện vọng của Thống Lĩnh là pháp luật trong đảng. Vì Thống Lĩnh đồng thời là Quốc Trưởng (người đứng đầu nhà nước) nên cần bổ nhiệm Phó Thống Lĩnh. Phó Thống Lĩnh lãnh đạo đảng theo cương lĩnh và hướng dẫn của Thống Lĩnh. Trong tạp chí của đảng năm 1941, đã nói về toàn quyền của Phó Thống Lĩnh như sau:
"Theo sắc lệnh của Thống Lĩnh ban hành ngày 21.4.1933, Phó Thống Lĩnh có toàn quyền trên danh nghĩa Thống Lĩnh, quyết định mọi vấn đề về lãnh đạo đảng. Như vậy, Phó Thống Lĩnh là đại diện cho Thống Lĩnh với toàn quyền lãnh đạo Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức. Văn phòng Phó Thống Lĩnh cũng chính là văn phòng Thống Lĩnh.
Nhiệm vụ của Phó Thống Lĩnh là lãnh đạo những vấn đề chính trị cơ bản, ban hành những chỉ thị và chăm lo sao cho công tác đảng được tiến hành dựa trên những nguyên tắc quốc xã. Phó Thống Lĩnh nắm giữ mọi đầu mối của công tác đảng. Phó Thống Lĩnh là người quyết định cuối cùng về mọi vấn đề trong những kế hoạch nội bộ của đảng và về tất cả những gì liên quan đến sự tồn tại của dân tộc Ðức..." (84-705)
Như vậy cấu trúc của Ðảng Quốc Xã mang hình dáng kim tự tháp, đáy là những cán bộ cấp thấp nhất và đỉnh là Thống Lĩnh của đảng. Ðáy của kim tự tháp này rất rộng. Ðiều này có thể minh họa bằng số liệu trong hồ sơ của Ðảng Công Nhân Quốc Xã cho năm 1935-1939.
Lãnh đạo đảng:
Thủ lĩnh vùng: 33 (năm 1935); 41 (năm 1939)
Thủ lĩnh tỉnh: 855 (năm 1935); 808 (năm 1939)
Thủ lĩnh huyện: 21283 (năm 1935); 28376 (năm 1939)
Thủ lĩnh xã: 55764 (năm 1935); 89378 (năm 1939)
Thủ lĩnh thôn: 213737 (năm 1935); 463048 (năm 1939)
Các cán bộ lãnh đạo đều có bộ máy dưới quyền. Bộ máy lãnh đạo của vùng và tỉnh có những bộ phận sau: tổ chức, tuyên truyền, học tập, cán bộ, hành động. Những người cộng tác trong các bộ phận này đều được trả lương. Trong thành phần các bộ máy này còn có kế toán, nhưng kế toán này không thuộc quyền cai quản của cán bộ đảng có trách nhiệm, mà chịu sự chỉ đạo trực tiếp của kế toán trưởng của đảng.
Trong Ðảng quốc xã còn có "những cán bộ danh dự", bao gồm số lượng đáng kể các chuyên gia, phần lớn là luật sư, bác sĩ, giáo viên. Họ được xem như cán bộ danh dự vì làm việc cho các đầu mối xã hội. Con số này vào khoảng 140 nghìn ngườị (89-394)
Tất cả mọi cơ sở đảng đều có quyền hạn và nghĩa vụ, thể hiện rõ nét đặc thù hành chính của nó, sau khi sát nhập với nhà nước.
Ðối với Thống Lĩnh, điều lệ ghi rõ: "Thống Lĩnh có quyền bổ nhiệm các Thủ Lĩnh Ðế Chế và tất cả những lãnh đạo chính trị, kể cả Hội Trưởng Hội Phụ Nữ Ðế Chế" (89-9). Thống Lĩnh chỉ có quyền, không có nghĩa vụ .
Thủ Lĩnh Ðế Chế không chỉ có quyền, mà còn có cả nghĩa vụ . Thủ Lĩnh Ðế Chế do Thống Lĩnh bổ nhiệm và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thống Lĩnh. Vai trò của các Thủ Lĩnh Ðế Chế là: "Nắm giữ mọi đầu mối các tổ chức nhân dân và nhà nước Ðức." (89-9)
Trong điều lệ của đảng quốc xã về các Thủ Lĩnh Ðế Chế và nhiệm vụ của chúng được ghi như sau: "Cấu trúc Ban lãnh đạo Ðế Chế cần phải thiết lập, sao cho hệ thống liên kết giữa những tổ chức đảng đầu tiên và Ban lãnh đạo có khả năng nhận biết được những yếu điểm và biến đổi nhỏ nhất trong tinh thần nhân dân".
Một nhiệm vụ khác của Ban lãnh đạo Ðế Chế là tuyển chọn cán bộ lãnh đạo và nhồi nhét hết khả năng tư tưởng quốc xã trong mọi lĩnh vực đời sống. (89-13)
Bí thư Khu ủy cùng bộ máy dưới quyền và lãnh đạo các cơ sở có nghĩa vụ, đảm bảo sự lãnh đạo của đảng quốc xã trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đảng và nhà nước, hướng dẫn những hành động của đảng và các cơ sở đảng, tăng cường ảnh hưởng chính trị và tư tưởng của đảng trong nhân dân thuộc vùng của mình.
Bí Thư Tỉnh ủy phải phục tùng Khu ủy, nhưng được Thống Lĩnh trực tiếp bổ nhiệm. Trong điều lệ đảng ghi: "Bí Thư Tỉnh ủy chịu trách nhiệm toàn diện trước Khu ủy về nhận thức chính trị và tư tưởng của đảng viên và quần chúng trên lãnh thổ của mình." (89-14)
Bí Thư Huyện uy phải phục tùng Tỉnh ủy và được Bí Thư Khu ủy tương ứng bổ nhiệm. "Bí Thư Huyện ủy chịu trách nhiệm toàn diện về nhận thức chính trị của các cơ sở, tổ chức và những chi nhánh của đảng. Bí Thư Huyện ủy có quyền phê phán mọi quyết định của Bí Thư Tỉnh ủy, nếu như những quyết định này mâu thuẫn với quyền lợi của đảng..." (89-14,15)
Bí Thư Ðảng Bộ là mắt xích trung gian giữa các Bí Thư Tỉnh ủy và cán bộ đảng thấp nhất - Bí Thư Chi Bộ . Thông thường Bí Thư Ðảng Bộ chịu trách nhiệm về bốn hoặc tám phố (thôn) và đảm nhiệm việc giám sát các Bí Thư Chi Bộ . Theo điều lệ, Bí Thư Ðảng Bộ có nhiệm vụ như Bí Thư Chi Bộ .
Bí Thư Chi Bộ thực tế là cán bộ đảng duy nhất thường xuyên tiếp xúc với quần chúng. Bí Thư Chi Bộ chịu trách nhiệm về phố (thôn)
vào khoảng 40 đến 60 gia đình. Theo điều lệ, "Bí Thư Chi Bộ không chỉ có nghĩa vụ bảo vệ tư tưởng quốc xã và mang tư tưởng này đến với các đảng viên và dân chúng, mà còn phải xây dựng sự hợp tác hỗ tương giữa các đảng viên trong khu vực của mình... Bí Thư Chi Bộ có nhiệm vụ thường xuyên nhắc nhở cho các đảng viên về nghĩa vụ thiêng liêng của họ đối với nhà nước và nhân dân..." (89-16)
Vị trí lãnh đạo càng cao bao nhiêu, quyền lực trong đảng và trong nhà nước càng lớn bấy nhiêu.
Theo điều lệ của Ðảng Quốc Xã, Thống Lĩnh, Bí Thư Khu ủy, Bí Thư Tỉnh ủy, Bí Thư Huyện ủy, Bí Thư Ðảng Bộ và Bí Thư Chi Bộ là "những cán bộ đảng có trọng trách" (89-389), họ có toàn quyền và còn được gọi là "giới lãnh đạo chính trị" hay "tập đoàn lãnh đạo chính trị".
Ðảng phát xít Italia và Falanga Tây Ban Nha cũng được xây dựng nhằm mục đích lãnh đạo chính trị nhà nước và xã hội. Tổng Bí Thư Ðảng Phát Xít Italia có những bộ phận dưới quyền sau: Ban Bí Thư Chính Trị, Ban Bí Thư Hành Chính, các hiệp hội tự quản, các cơ quan in ấn, tuyên truyền, các tổ chức thanh niên, Hiệp Hội Phụ Nữ, Hội Các Gia Ðình Liệt Sĩ Phát Xít, Hội Sinh Viên Ðại Học, Ban Bí Thư Chính Trị kiểm tra hoạt động của những hiệp hội sau: giáo viên phát xít, công nhân đường sắt phát xít, bưu điện - điện tín phát xít...
Các cơ sở trong bộ máy của Falanga cũng thâu tóm quyền lực như thế: Ban đối ngoại, giáo dục nhân dân, diễn đàn và tuyên truyền, phụ nữ, xã hội, công đoàn, thanh niên, cựu chiến binh, tài chính - hành chính...
Mục đích của đảng phát xít - lãnh đạo nhà nước và toàn bộ xã hội - xác định nguyên tắc tổ chức của nó và nguyên tắc cơ bản là tập trung quan liêu. Nguyên tắc này có thể tóm tắt như sau:
(a) Cấp dưới phục tùng vô điều kiện cấp trên;
(b) Cấp trên bổ nhiệm cấp dưới, tổ chức cao bổ nhiệm tổ chức thấp;
(c) Cấp dưới chịu sự kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với cấp trên.
Chấp nhận những nguyên tắc này, một mặt đảng phát xít bị biến thành cấu trúc đẳng cấp, và nếu không xét đến sự cuồng tín, thì không khác gì một đẳng cấp nhà nước quan liêu, cấp dưới không có một chút quyền tự chủ nào; mặt khác nó trở thành một đảng -quân đội, trong đó không còn tranh luận, bàn cãi, ý kiến công khai: mọi thành viên đều là người lính của đảng, sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy.
Vào tháng 9.1928, Bí Thư Ðảng Phát Xít Italia tuyên bố công khai: "Thật sai lầm nếu như nghĩ rằng, trong đảng có sự lựa chọn hay cấp dưới có quyền đối với cấp trên... Những người phát xít không khác gì một đội quân. Và đội quân thì phải phục tùng, chiến đấu, hy sinh, nhưng không thể bổ nhiệm cấp chỉ huy của mình và không thể nghi ngờ các mệnh lệnh." (110-74)
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong lời thề của đảng viên mới được kết nạp: "Tôi xin thề sẽ thi hành vô điều kiện mọi mệnh lệnh của người chỉ huy, sẽ phục vụ bằng tất cả khả năng của mình và nếu cần, cả bằng máu cho sự nghiệp của cuộc cách mạng phát xít." (112-86)
Vào năm 1922, khi trả lời về những lo ngại do sự phát triển đảng quá mức cần thiết, Muxolini đã nói: "Những kẻ lắm lời có thể tham gia đảng của những người ưa tranh luận, chứ không phải là đảng bao gồm các chiến sĩ như đảng ta. Kỷ luật chính trị của chúng ta cũng đồng thời là kỷ luật của quân sự . Những chiến sĩ trẻ của chúng ta muốn chiến đấu chứ không ưa tranh luận. Thậm chí chúng ta cũng không cho phép những tổ chức nghiệp đoàn được như vậy. Chúng ta sẽ bảo vệ quyền lợi công nhân, nhưng nếu cần, chúng ta cũng có thể đàn áp." (17-100)
Ông già, đã từng giữ chức Bí Thư Ðảng Phát Xít trong những năm 30, cho rằng muốn có kỷ luật cho người Italia cần phải bắt họ vào đảng. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 10.1937, đảng phát xít có tới hơn 2 triệu thành viên, và nếu kể cả những tổ chức phụ thuộc là 10 triệu. (44-111)
 
3. Thâu tóm toàn bộ dân chúng vào các tổ chức quốc gia. Ðể kết thúc quá trình đồng hóa, nghĩa là để phân chuyển sự kiểm soát của đảng phát xít trên toàn xã hội, chế độ thâu tóm mọi thành viên của mình vào các tổ chức quần chúng. Rõ ràng trên thực tế, đảng phát xít không thể kiểm soát từng công dân riêng biệt. Nhưng điều này có thể đạt được bằng cách sắp xếp dân chúng vào những tổ chức xã hội nào đó và đặt các tổ chức này dưới quyền kiểm soát của đảng thống trị . Như vậy, các tổ chức quần chúng trở thành những tổ chức tiếp diễn của đảng hay nhà nước (vì đảng và nhà nước đã sát nhập với nhau). Biện pháp chính trị này là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhà nước độc tài biến họ thành những công cụ cho mục đích của mình, khiến họ không còn có thể phản kháng. Vì vậy, nhà nước độc tài có thể xem là "xã hội được tổ chức".
Bọn quốc xã đã bắt đầu thực hiện chương trình này ngay từ những ngày cầm quyền đầu tiên. Ðể thay thế cho những tổ chức quần chúng cũ từ thời nền cộng hòa Vaimar (2) đã bị giải tán, bọn quốc xã thành lập các tổ chức mới, còn quần chúng hơn, và đặt chúng dưới sự kiểm soát của đảng. Thay cho những tổ chức công đoàn tự do là Mặt Trận Lao Ðộng Ðức, thay cho rất nhiều tổ chức thanh niên khác nhau là "Thế Hệ Hitler", còn những tổ chức thiếu niên trong các trường học được thống nhất lại thành tổ chức Nhi Ðồng ("Người Công Dân Trẻ") .
Ðồng thời bọn quốc xã thành lập các hiệp hội mới: Hội Sinh Viên Quốc Xã, Liên Hiệp Phụ Nữ, Liên Hiệp Giảng Viên Ðại Học Ðức, Hội Luật Sư Ðức, Hội Quốc Xã Các Giáo Viên, Hội Các Gia Ðình Người Ðức...
Các tổ chức quần chúng này thâu tóm toàn bộ nhân dân Ðức. Không còn công dân nào trên lãnh thổ Ðế Chế mà lại không thuộc một tổ chức hay hiệp hội nào đó.
Vào năm 1939, chỉ riêng Mặt Trận Lao Ðộng Ðức đã có tới 23 triệu thành viên, "Thế Hệ Hitler" - 8 triệu. Tất cả các tổ chức quần chúng đều không có cương lĩnh riêng, vì đều phải công nhận và thực hiện theo cương lĩnh của Ðảng Quốc Xã; đồng thời được xây dựng trên nguyên tắc của đảng này: tập trung, phục tùng và đẳng cấp, v.v...
Về vấn đề này, Chủ Tịch Mặt Trận Lao Ðộng Ðức, Thủ Lĩnh Ðế Chế R. Lai, trong diễn văn đọc tại Ðại hội Ðảng ngày 13.1936 đã nói như sau: "... Mặt trận Lao động Ðức là tổ chức của đảng và chịu sự lãnh đạo của đảng. Cũng giống như đảng, Mặt trận Lao động Ðức cần phải được tự tổ chức trên nguyên tắc lãnh thổ ." (89-35)
Ðảng phát xít đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của mình đối với các tổ chức quần chúng bằng cách cử những Thủ lĩnh chính trị nắm giữ vị trí lãnh đạo của những tổ chức này. Ðứng đầu những tổ chức quần chúng đều là các đảng viên quốc xã sừng sỏ nhất: đứng đầu Hội Cơ Khí Ðức là Speer, Hội Giảng Viên quốc xã - Vexler, Hội Bác Sĩ - Coti, Hội Luật Sư quốc xã - Tirac, v.v...
Sự lãnh đạo của đảng, đối với các tổ chức quần chúng, được đảm bảo gấp đôi. Không chỉ những thủ lĩnh các tổ chức quần chúng là những đảng viên phát xít sừng sỏ, mà cả những vị trí lãnh đạo các tổ chức cơ sở của chúng cũng đều do các đảng viên phát xít chiếm giữ.
Nếu không có sự đồng ý của cán bộ đảng cao cấp, lãnh đạo của các tổ chức quần chúng không được quyết định những vấn đề mang ý nghĩa chính trị và quốc gia quan trọng. Trong sắc lệnh do Hex ban hành ngày 25.10.1934, ghi rõ: "Các cán bộ của các tổ chức đảng, cũng như các Thủ lĩnh Ðế chế, lãnh đạo SA, SS, "Thế Hệ Hitler" và những tổ chức phụ thuộc khác không được phép thỏa thuận bất cứ một vấn đề mang tính chất chính trị nào với các tổ chức khác, nếu như không được sự đồng ý của cán bộ đảng có thẩm quyền tương ứng." (89-21)
Khi bổ nhiệm cán bộ "Thế Hệ Hitler", các cơ sở của tổ chức này bắt buộc phải tham khảo ý kiến của cán bộ đảng có thẩm quyền trong vùng đó. Như vậy, "Lãnh đạo đảng có quyền bãi bỏ những cán bộ không xứng đáng cho việc lãnh đạo thanh niên. Và nếu trước đó không có sự đồng ý của lãnh đạo đảng, lãnh đạo đảng có thể thay đổi việc bổ nhiệm này trong trường hợp thấy cần thiết." (89-20)
Việc các tổ chức quần chúng bị đặt dưới sự lãnh đạo, hay đúng hơn - dưới sự kiểm soát của đảng phát xít, không tránh khỏi biến chúng thành những tổ chức quốc gia (vì đảng thống nhất với nhà nước). Từ đó suy ra rằng, các tổ chức này bảo vệ quyền lợi cho nhà nước phát xít, chứ không phải cho những thành viên của mình. Chúng ta hãy lấy ví dụ về Mặt Trận Lao Ðộng Ðức. Trước đây trong nền Cộng Hòa Vaimar, tổ chức tương ứng (những tổ chức công đoàn) bảo vệ quyền lợi cho giai cấp công nhân trước nhà nước của giới tư sản thông qua các cuộc biểu tình, bãi công, đòi tăng lương, thay đổi điều kiện làm việc, chống việc đuổi công nhân, v.v...
Tất cả những vấn đề này bị thay đổi hoàn toàn sau khi Mặt Trận Lao Ðộng Ðức được thiết lập. Trước hết, là tư tưởng bá chủ của đảng không công nhận bất kỳ mâu thuẫn nào trong quyền lợi nhà nước và các thành viên của tổ chức này. Bãi công, biểu tình, v.v... bị cấm hoàn toàn vì như thế là chống lại nhân dân và nước Ðức. Theo hệ tư tưởng quốc xã, nhân dân, nhà nước, quê hương và lãnh tụ được ràng buộc chặt chẽ với nhau. Và vì vậy, nếu ai chống lại một mắt xích bất kỳ nào trong chuỗi này, cũng đồng thời chạm tới toàn bộ dây chuyền. Nếu một cuộc bãi công nhằm chống lại chính sách kinh tế nhà nước, thì theo cách suy luận logic quốc xã, nó đồng thời cũng chống lại quê hương và nhân dân. Do đó, trên danh nghĩa nhân dân và quê hương, cần phải đàn áp thẳng thừng cuộc bãi công này.
Trong một tài liệu đặc biệt, việc chống bãi công được vạch rõ: "... Ðàn áp thẳng thừng cuộc bãi công đầu tiên là phương pháp tốt nhất để ngăn chặn và làm gương cho những vụ tái diễn khác." (103-180). Trong diễn văn ngày 17.5.1953, R.Lai, Chủ tịch Mặt trận Lao động Ðức, khi nói về tính chất và nhiệm vụ của tổ chức này đã không quên nhấn mạnh rằng, không thể cho phép các cuộc bãi công xảy ra, "... chỉ có kẻ thù mới quan tâm đến bãi công." (103-127)
Không còn bãi công, tranh luận, bàn cãi. Ðảng Công Nhân Quốc Xã sắp xếp tất cả; hơn ai hết đảng biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Ðảng được công nhận một cách hiển nhiên là không thể sai lầm và bao giờ cũng dẫn dắt nhân dân Ðức (trong đó có Mặt Trận Lao Ðộng Ðức) đi theo con đường đúng đắn nhất. Và nếu con đường này yêu cầu sự hy sinh, thì nhân dân phải sẵn sàng.
Tính chất quốc gia của Mặt Trận Lao Ðộng Ðức không chỉ thể hiện ở chỗ lãnh đạo của tổ chức này là đảng viên quốc xã, và cũng không chỉ riêng trong lĩnh vực tư tưởng, mà còn cả trong chính sách kinh tế hiện thực của nó.
Với sắc luật "Về Trật Tự Trong Lao Ðộng", các hội đồng công nhân từ thời Cộng Hòa Vaimar đều bị xóa bỏ và thay vào đó bằng cái gọi là "Hội Ðồng Tin Tưởng". Chỉ có chủ xướng và lãnh đạo đảng quốc xã tại cơ sở đó mới được quyền đề cử thành viên của những hội đồng này. Tháng 2.1935, hệ thống "sổ lao động" được thiết lập. Trong sổ lao động ghi rõ nơi làm việc, nơi cư trú của người công nhân. Nếu không được sự đồng ý của lãnh đạo nhà máy tương ứng thì người công nhân không thể tự ý bỏ việc làm, vì không còn nơi nào nhận anh ta nữa.
Như vậy nhà nước độc tài phát xít đã đẩy lùi xã hội về sau thời đại của nền dân chủ tư sản tự do, bãi bỏ quyền tự do lao động - quyền lợi đầu tiên lớn nhất của nền dân chủ sau sự sụp đổ của chế độ phong kiến; đồng thời tái lập chính sách lao động cưỡng bức kinh tế ngoại lệ đối với những người lao động.
Về vấn đề này, hệ thống nghiệp đoàn mà phát xít Italia sáng lập ra còn hoàn thiện hơn nhiều. Muxolini đã từng nói: "Nhà nước nghiệp đoàn là hệ thống điển hình và là niềm tự hào của cuộc cách mạng phát xít."(10-53). Bằng 12 liên hiệp ngành nghề của công nhân và chủ xưởng, nhà nước phát xít thâu tóm toàn bộ xã hội công chúng (công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông đường biển, hàng không, đường bộ và đường sông); và kể cả những ngành nghề tự do là liên hiệp thứ 13. Tham gia các nghiệp đoàn này là bắt buộc, bằng cách thu đoàn phí thông qua hệ thống hành chính.
Việc lãnh đạo và kiểm soát của Nhà nước đối với hệ thống nghiệp đoàn được thực hiện nhờ "sắc luật nghiệp đoàn" ban hành ngày 3.4.1926. Theo luật này, "mỗi một dạng chủ xưởng, công nhân, nghệ sĩ, v.v... chỉ được công nhận một hiệp hội hợp pháp" (112-133). Không được phép nhiều hơn, vì như thế sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát của nhà nước và đi ngược lại mục đích cơ bản của nó - đồng nhất xã hội.
Ðối với những hiệp hội được nhà nước công nhận, điều luật đưa ra hàng loạt hạn chế khiến chúng phải phụ thuộc tuyệt đối vào nhà nước:
"(1)Các hiệp hội không được liên kết với những tổ chức quốc tế, nếu không được sự đồng ý của cơ quan nhà nước;
(2)Việc bổ nhiệm hay bầu cử chủ tịch và thư ký các hiệp hội cơ sở sẽ không có hiệu lực, nếu không có công văn xác nhận của bộ chủ quản và sự đồng ý của Bộ Nội Vụ ." (112-133)
Thậm chí từ ngày 20.3.1930 Hội Ðồng Dân Tộc Nghiệp Ðoàn đã trở thành cơ quan hợp pháp của nhà nước, đứng đầu là Thủ Tướng chính phủ . Ðiều này đã khẳng định toàn quyền của nhà nước đối với các tổ chức và hệ thống nghiệp đoàn.
Thực chất, phát xít Italia là thí dụ điển hình về việc đảng điều hành bộ máy của nhà nước và thông qua đó mà khống chế toàn bộ xã hội. Những nghiệp đoàn thăng tiến của Tây Ban Nha chỉ là bản sao của hệ thống nghiệp đoàn ở Italia. Chúng chỉ khác nhau một điểm nhỏ là ở Italia các nghiệp đoàn phụ thuộc vào nhà nước nhiều hơn là vào đảng, còn ở Tây Ban Nha Những Nghiệp Ðoàn Thăng Tiến bị đặt dưới sự kiểm soát và giám sát trực tiếp của đảng Falanga.
Nhưng dù có sự khác nhau trong việc thành lập các tổ chức quần chúng tại ba nhà nước phát xít, nguyên tắc chung chỉ là một - nguyên tắc độc tài.
Theo những tài liệu chính gốc, việc đảng phát xít sắp xếp thanh niên vào một tổ chức duy nhất không chỉ nhằm mục đích thâu tóm và kiểm soát họ như một bộ phận nhân dân, mà còn xem tổ chức thanh niên như một công cụ dùng để giáo dục thế hệ trẻ theo tinh thần tư tưởng và ý thức sẵn sàng phục vụ cho sự nghiệp phát xít.
Cũng giống như những tổ chức quần chúng khác, "Thế Hệ Hitler" không có cương lĩnh riêng ngoài cương lĩnh của Ðảng Quốc Xã. Trong tác phẩm Thế Hệ Hitler, Fon Sirah viết: "Nhiệm vụ của tôi là giáo dục tinh thần thế hệ trẻ theo những mục đích, tư tưởng và chỉ thị của Ðảng Công Nhân Quốc Xã, đồng thời lãnh đạo và tổ chức họ ." (84-700)
Giới lãnh đạo Ðảng Công Nhân Quốc Xã chú trọng đặc biệt đến vấn đề giáo dục tư tưởng cho các thành viên của "Thế Hệ Trẻ" theo tinh thần tư tưởng quốc xã. Trong một bài báo về giáo dục chống tôn giáo cho "Thế Hệ Hitler", Rozenberg viết: "Chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn trong sự nghiệp truyền bá tư tưởng quốc xã cho thanh niên Ðức. Tổ chức thanh niên Thiên Chúa Giáo chỉ còn lại những nhóm nhỏ và sắp tới sẽ được sát nhập vào các cơ sở của "Thế Hệ Hitler..." (84-701)
Tổ chức "Thế hệ Hitler" tiến hành nhiều biện pháp đặc biệt nhằm nhồi nhét tư tưởng quốc xã cho thanh niên Ðức; trong đó có việc mở các trường Aldolf Hitler mà chỉ những thành viên xuất sắc được tuyển chọn của tổ chức Người Công Dân trẻ mới có quyền được vào học (84-700).
Ban lãnh đạo Ðảng Quốc Xã tổ chức "Thế hệ Hitler" như lực lượng cán bộ dự bị cho bộ máy nhà nước. Ðảng Quốc Xã chỉ kết nạp vào hàng ngũ của mình những đoàn viên thanh niên "Thế Hệ Hitler" ưu tú nhất, và những người có khả năng làm công tác tổ chức thì được gửi vào học tại trường đảng cao cấp Adolf Hitler. Sau khi tốt nghiệp, những người này được đảm nhận công tác lãnh đạo trong bộ máy đảng và nhà nước.
Nếu tin vào những băng ghi âm của X. Rausing thì bản thân Hitler cũng quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục thanh niên theo tinh thần quốc xã. Hitler xem số phận tương lai của chế độ quốc xã liên quan chặt chẽ đến sự nghiệp giáo dục này:
"Tôi cần phải trở thành một nhà giáo dục nghiêm khắc... Chúng ta sẽ bắt đầu một sự nghiệp giáo dục thanh niên vĩ đạị Chúng ta đã già rồi. Chúng ta không còn bầu nhiệt huyết nóng hổi. Chúng ta đã trở nên hèn nhát và mẫn cảm. Nhưng còn thế hệ trẻ tuyệt vời của tôi! Liệu trên thế giới này có gì đẹp hơn không?
Các ngài hãy nhìn những chàng trai và những cô gái trẻ này. Họ tuyệt vời làm sao. Tôi sẽ dùng họ để xây dựng một thế giới mới...
Biện pháp giáo dục của tôi rất nghiêm khắc. Tôi sẽ dùng búa để đẽo gọt và vứt bỏ những gì bị hư hỏng. Chúng ta sẽ tạo nên một thế hệ trẻ mà thế giới nhìn vào phải run sợ . Một thế hệ trẻ hùng mạnh, quyền thế, dũng cảm và không hề biết run sợ . Tôi muốn một thế hệ như thế. Thế hệ trẻ có thể mang được những gánh nặng
bất hạnh trên vai. Tôi không muốn thế hệ trẻ có những biểu hiện yếu đuối và ủy mi.... Tôi sẽ huấn luyện cho họ những bài tập thể lực. Trước hết cần mạnh mẽ: Ðó là điều quan trọng nhất" (52-57).
Theo điều luật về thanh niên, từ tháng 12.1936 "Thế Hệ Hitler" được tuyên bố là tổ chức thanh niên duy nhất ở Ðức có quyền tổ chức và giáo dục thanh niên. Ðiều luật nêu rõ: "Toàn bộ thanh niên Ðức tham gia tổ chức "Thế Hệ Hitler". Ngoài gia đình và nhà trường, thanh niên Ðức còn được giáo dục thể lực, tri thức và đạo đức theo tinh thần quốc xã để phục vụ cho nhân dân và tổ quốc của mình. Sự nghiệp giáo dục này được thực hiện thông qua "Thế Hệ Hitler" (84-699).
Tính chất quốc gia của "Thế Hệ Hitler" được thể hiện rõ ràng hơn trong mối quan hệ của nó với các tổ chức nhà nước phản động nhất như cảnh sát (SS và SA) và quân đội. "Thế Hệ Hitler" tuyển chọn hàng trăm ngàn thành viên của mình cho quân đội. Giáo dục quân sự cho thanh niên được chú trọng cho tất cả mọi hình thức và tùy
thuộc sở thích từng người. "Trong các trường đào tạo cán bộ của "Thế Hệ Hitler" và đặc biệt là tại hai trường cao cấp đều có môn tập bắn súng và huấn luyện trên hiện trường..." (88-298).
Nhà nước độc tài không chỉ quan tâm đến việc thâu tóm mọi công dân vào một tổ chức nào đó, mà còn kiểm soát chặt chẽ từng giai đoạn trong cuộc đời của họ theo lứa tuổi.
Ở Ðức:
Từ 10-14 tuổi thuộc tổ chức Người công dân trẻ .
Từ 14-18 tuổi - "Thế Hệ Hitler".
Từ 18-20 tuổi - các tổ chức đảng SS, SA, v.v...
Từ 20-21 tuổi: Mặt trận lao động.
Từ 21-23 tuổi - tham gia nghĩa vụ quân sự .
Từ 23 tuổi trở đi - tham gia những tổ chức khác nhau của chế độ quốc xã và Ðảng Quốc Xã.
Ở Ytalia:
Từ 8-15 tuổi thuộc tổ chức Balila.
Từ 15-21 tuổi - Abangard.
Từ 21-30 tuổi - công an phát xít.
Sau đó tham gia Ðảng phát xít hay những tổ chức quốc gia cho đến hết đời.
Ở Tây ban nha:
Từ 7-17 tuổi thuộc tổ chức Mặt trận thanh thiếu niên, gồm 3 bậc: con trai - "Mũi tên", "Pelalox", "Thiếu sinh quân"; con gái - "Hạt xoàn", "Mũi tên" và "Mũi tên xanh". Sau đó những người theo học đại học thì tham gia các tổ chức nghiệp đoàn sinh viên quốc gia, còn những người trực tiếp sản xuất - "Nghiệp đoàn thăng tiến". Với tham vọng thâu tóm và kiểm soát tổng thể xã hội, bọn phát xít còn thành lập những câu lạc bộ quần chúng, kiểm soát mọi hoạt động của con người trong cả thời gian nghỉ ngơi. ở Ðức, tổ chức này mang tên "Sức mạnh niềm vui". "Sức mạnh niềm vui" tổ chức những cuộc gặp gỡ, tọa đàm, những chuyến bay tập thể, những nhóm nghiên cứu va tất cả những gì mà con người có thể làm trong thời gian rỗi, nhưng bắt buộc phải theo tinh thần và nguyên tắc của cộng đồng quốc xã.
Ở Ytalia, tổ chức tương tự được gọi là "Dopolavoro" (nghĩa đen là "sau công việc"). Ðây là tổ chức lớn nhất được thành lập từ năm 1926 như một bộ phận không thể tách rời còn nhà nước nghiệp đoàn phát xít Italia.
4. Ðồng hóa cuộc sống tinh thần. Sau khi nắm quyền lãnh đạo nhà nước và các tổ chức quần chúng, đảng phát xít phân chuyển sự kiểm soát của mình trên toàn xã hội và cuộc sống tinh thần của nó. Việc kiểm soát này được thực hiện theo hai cách:
(1) Thông qua "tổ chức", "thâu tóm" tất cả những người trí thức vào những hiệp hội sáng tạo dưới sự quan sát của nhà nước;
(2) Thông qua áp đặt tính đảng về cái đẹp, cái tốt, cái xấu, sự công bằng... trong văn học và nghệ thuật.
 
         A. Thâu tóm tổng thể giới trí thức vào các hiệp hội. Với tham vọng kiểm soát tổng thể toàn bộ cuộc sống tinh thần, đảng phát xít cưỡng ép tất cả những người làm công tác sáng tạo trong lĩnh vực lao động trí óc (bác học, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, điêu khắc, kiến trúc, đạo diễn, v.v...) tham gia những hiệp hội tương ứng. ở ngoài các tổ chức, hiệp hội này thì không ai có thể còn là trí thức: nhà văn không còn là nhà văn, diễn viên không còn là diễn viên, nhạc sĩ không còn là nhạc sĩ, v.v...
Vào mùa xuân năm 1935, P. Toliati đã viết: "Hiện nay ở Italia, không ai có thể trở thành nhà văn, giáo viên, giảng viên nếu không phải là đảng viên phát xít. Ðiều này còn được thể hiện ở cả những nghề tự do như luật sư, nhà báo... Tất cả đều bắt buộc phải tham gia đảng phát xít, thâm chí cả bác sĩ: không phải là đảng viên, thì không thể là bác sĩ công chính." (116-80).
Tại nước Ðức phát xít, nguyên tắc này còn được thể hiện triệt để hơn nhiều.
Chỉ thị số 112 của Ủy Ban Văn Hóa Ðế Chế ngày 20.8.1937 vạch rõ sự cần thiết "phải thuộc một hiệp hội nào đó" (178-107). Thực ra vấn đề này đã được tiến hành sớm hơn nhiều bằng sắc luật ngày 22.9.1933: "Mọi sáng tác văn hóa cần được tổ chức lại." (151-195)
Cơ cấu thâu tóm này được thể hiện như sau: "Toàn bộ cuộc sống tinh thần tập trung tại Ủy Ban Văn Hóa Ðế Chế dưới sự kiểm soát của Bộ Trưởng Tuyên Truyền và Giáo Dục Nhân Dân - Tiến sĩ Gobelx. Ủy Ban Văn Hóa có bảy ban: Ban nhà hát, Ban thể hiện nghệ thuật, Ban văn học, Ban điện ảnh... Các ban văn hóa này thâu tóm những hiệp hội tương ứng. Thí dụ Ban nhà hát có những hiệp hội: Hội Sân Khấu Ðức, Hội Diễn Viên Ðức...
Cần phải hiểu chính xác ý nghĩa của những hiệp hội trí thức mà chế độ phát xít tạo ra. Vấn đề không phải là sự tồn tại các hiệp hội trí thức - xã hội nào cũng có những tổ chức như thế, cũng không phải ở việc bắt buộc phải tham gia các tổ chức này, mà là ở vai trò của chúng, bị nhà nước sử dụng như công cụ nhằm kiểm soát giới trí thức. Cũng tương tự như các tổ chức quần chúng quốc gia, những hiệp hội trí thức được thành lập không phải để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của chúng trước hệ thống nhà nước quan liêu, mà ngược lại - đặt quyền lợi nhà nước lên trên quyền lợi của những người trí thức. Thông qua những tổ chức này, nhà nước phát xít bắt giới trí thức phải quy phục. Bởi vì các hiệp hội cũng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc quan liêu như nhà nước và đảng phát xít: tập trung cao độ, phục tùng vô điều kiện cấp trên, giao vị trí lãnh đạo cho những kẻ có công lao chính trị, dễ sai... Kết quả là trình độ, khả năng, tài năng và thiên tài bị đẩy lùi. Một hiệp hội trí thức, mà nhiệm vụ chỉ phục tùng, nghe lời nhà nước, theo dõi những tư tưởng và suy nghĩ tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ tư tưởng quốc gia, là một hình thức hủy diệt giới trí thức. Ðiều này thật có lợi cho nhà nước, vì đã không cần dùng chính tay mình để thực hiện mưu đồ đó.
Tập trung cưỡng ép tất cả những người trí thức trong một lĩnh vực vào một hiệp hội, đặt trí tuệ và dốt nát, tài năng và tầm thường vào cùng một vị trí, nhà nước phát xít tiếp tay cho bọn bất tài chống lại những bộ óc thông thái, giúp bọn tầm thường chống lại các tài năng. Hơn thế nữa, nhà nước trao tổ chức vào tay những kẻ dốt nát và tầm thường để chống lại tài năng và thiên tài. Trong các hiệp hội, bọn tầm thường, dốt nát là những kẻ cộng tác đắc lực với nhà nước chống lại tư duy và những biểu hiện tự do của người trí thức. Nhà nước quan liêu và sự dốt nát liên quan chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực tinh thần, vì nâng đỡ sự tầm thường và vô bản sắc là một trong những nguyên tắc cơ bản của đẳng cấp quan liêu.
Ở đây nhà nước phát xít và bọn tầm thường có cùng chung quyền lợi. Nhà nước phát xít quan tâm đến việc hủy diệt tự do suy nghĩ và tính độc lập của giới trí thức, bởi vì điều đó đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của nó. Nếu nhà nước độc tài cho phép tự do công kích, bản thân chế độ sẽ bị tan rã vì trong công cuộc đấu tranh công khai, những nguyên tắc quan liêu không thể đứng vững trước sức phản kháng của tư tưởng tự do dân chủ . Do đó nhà nước độc tài cần phải hủy diệt giới trí thức chân chính với tính tự chủ, công kích và độc lập của họ . Rõ ràng bọn tầm thường cũng quan tâm đến những vấn đề này, bởi vì trong điều kiện cạnh tranh tự do, chúng không thể thắng các tài năng.
Như vậy với việc thâu tóm tổng thể giới trí thức vào những hiệp hội quốc gia, dựa vào bọn tầm thường như những hạt nhân cơ bản, nhà nước phát xít hủy diệt giới trí thức chân chính và tạo nên một giới trí thức giả danh - tự xem là chiếm được lòng tin cao nhất đối với nhà nước và lãnh tụ dân tộc.
Tuy nhiên đối với nhà nước, quá trình này được nhìn nhận dưới một góc độ khác hoàn toàn. Theo các nhà tưởng phát xít, nhà nước không hủy diệt giới trí thức mà ngược lại chỉ đuổi những phần tử "vô chính phủ" và "hư vô" - những kẻ ngăn chặn và cản trở giới trí thức trong công tác sáng tạo. Khi nâng đỡ bọn bất tài - những kẻ sẵn sàng cộng tác hoặc đã thể hiện được lòng trung thành của mình đối với nhà nước, nhà nước phát xít cho rằng đã sáng tạo được một giới trí thức mới ("chân chính") - giới trí thức sẵn sàng phục vụ nhân dân và nhà nước; đồng thời trao quyền lãnh đạo các hiệp hội cho bọn bán trí thức này.
Ðứng đầu các hiệp hội trí thức ở Ðức là những kẻ bất tài nhất. Chủ nhiệm Ban nghệ thuật là giáo sư A. Sigler, kẻ được Hitler ngưỡng mộ, một họa sĩ dưới mức tầm thường. Hai bức họa điển hình của Sigler - "Nữ Thần Nghệ Thuật" và "Bốn Cơ Cấu" - với tính thực dụng thô thiển và những chi tiết hủ lậu, gây nên nỗi thất vọng vô bờ cho bất cứ người am hiểu nghệ thuật nào. Hội trưởng hội Giáo sư là giáo sư - tiến sĩ Sulxe, kẻ không có tiếng tăm gì trong khoa học nhưng có nhiều công lao chính trị ... Và sau hết Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa Ðế Chế là tiến sĩ Gobelx.
B. Nghệ thuật và văn học phải phục tùng đảng phát xít. Tổ chức những người trí thức vào các hiệp hội không chỉ là mục đích mà trước hết là công cụ, nhằm nhồi nhét tư tưởng và tiêu chuẩn của đảng cho nghệ thuật và văn học. Sau khi đạt được sự thống trị chính trị tuyệt đối trên mọi lĩnh vực của đời sống nhà nước và xã hội, đảng phát xít không thể cho phép văn học và nghệ thuật đi ngược lại những quan niệm của đảng về cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái tốt, anh hùng, lẽ công bằng... Ngược lại đảng cần phải thấy những tư tưởng thẩm mỹ và tinh thần của mình bao trùm trên mọi sáng tạo nghệ thuật.
Trên cơ sở lập luận như vậy, đảng phát xít tự cho là có quyền giao nhiệm vụ cho những người trí thức; đồng thời đòi hỏi những tác phẩm nghệ thuật của họ phải phù hợp với thị hiếu của đảng. Ðảng phát xít xem văn học và nghệ thuật như những thứ vũ khí đấu tranh hay sự nghiệp giáo dục. Văn học và nghệ thuật chỉ có lợi cho đảng phát xít trong trường hợp duy nhất: dùng những phương tiện nghệ thuật để giáo dục nhân dân theo tinh thần và ý nghĩa của tư tưởng phát xít, nghĩ là mang đến cho nhân dân những tư tưởng quốc xã dưới hình thức nghệ thuật. ở đây văn học và nghệ thuật được xem như công cụ tuyên truyền, chỉ khác tuyên truyền thông thường là có tính lâu bền và tác động sâu sắc hơn. Bí thư Bộ Tuyên Truyền Valter Func đã từng tuyên bố: "Tuyên truyền và lãnh đạo văn học là không thể tách rời." (151-257). Nhưng để có thể thực hiện được chức năng này, văn học và nghệ thuật được giao nhiệm vụ trước tiên phải đi sâu đi sát quảng đại quần chúng, tác động đến quần chúng thông qua việc lựa chọn chủ đề sáng tác và phương pháp thể hiện. Nhiệm vụ đầu tiên này được gọi là Sự Gắn Bó Của Nghệ Thuật Với Nhân Dân. Tiến sĩ Hanx Ciner viết:
"Thống lĩnh muốn nghiệ thuật Ðức phải từ nhân dân mà ra và vì nhân dân phục vụ . Người muốn tác động giáo dục và luân lý của nghệ thuật cần phải được trau dồi hơn nữa.
... Thống lĩnh muốn người họa sĩ Ðức phải từ bỏ tính không cởi mở và phải gần gũi với nhân dân; và điều này cần được phản ánh trong việc lựa chọn chủ đề sáng tác: cần phải mang tính nhân dân, dễ hiểu và phải nằm trong khuôn khổ tư tưởng quốc xã và dũng cảm và anh hùng." (178-200)
Chức năng xã hội mà bọn phát xít giao cho nghệ thuật (giáo dục nhân dân theo tinh thần tư tưởng của đảng), còn được thể hiện rõ ràng hơn trong tờ báo SS Ðội Quân Ðen số ra ngày 25.2.1937: "Chức năng giáo dục của nghệ thuật là dạy bảo nhân dân theo ý nghĩa lành mạnh nhất của từ này, bởi vì nó thức tỉnh trong con người những tình cảm tốt đẹp, khẳng định cuộc sống". (178-200)
Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật của Ðệ Tam Ðế Chế đều viết trên tinh thần này. Thậm chí cả nhà thợ Nhà thơ Herbert Miulanbah viết: "Nhà thơ chân chính lớn lên cùng với hạnh phúc của dân tộc, và có thể đồng thời mang cả nỗi đau dân tộc trong trái tim mình". (180-317)
Ðể có thể gắn bó với nhân dân, người nghệ sĩ trước tiên phải thông suốt sự nghiệp của Ðảng Quốc Xã, sự nghiệp mà theo tư tưởng của đảng là phản ánh đầy đủ nhất quyền lợi của nhân dân. Vì vậy người nghệ sĩ phải là nghệ-sĩđdảng. Riharg Oringer viết vào năm 1935, "Nền thơ ca quốc xã, và trước tiên là những luật lệ cơ bản của nó, không phải tính cá nhân mà là tính quốc xã đơn giản và thuần túy. Tôi không sợ khi nói rằng, tôi mong đợi một nền thơ ca từ đảng. Ðảng là thể xác của linh hồn quốc xã, và linh hồn quốc xã sống trong thể xác của quốc xã sẽ sinh ra nền thơ ca điển hình của mình". (180-318)
Vấn đề chính trị và tư tưởng được ưu tiên trước tiên, so với nghệ thuật và thẩm mỹ, có thể minh họa bằng những dẫn chứng sau. Trong bài báo nhan đề "Nền kịch nói trong nhà nước quốc xã" đăng trên tạp chí Biune tháng 4.1936, tiến sĩ Vahter Smit viết: "Cái mới nhất là: tư tưởng chính trị được ưu tiên và thể hiện rõ ràng trong văn học và nghệ thuật. Thể hiện trên thực tế những yêu cầu tư tưởng quốc xã trong đời sống ca kịch Ðức là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, mà ngày nay nền ca kịch Ðức phải thực hiện trước tiên". (178-142)
Một nhà phê bình sân khấu khác, tiến sĩ Valter Sang, viết trên báo Berliner Localanxaiger số ra ngày 17.1.1934: "Bằng cách nào để chúng ta thể hiện được những tư tưởng quốc xã trong lĩnh vực ca kịch, đó là vấn đề thời sự nóng hổi... Thay cho thẩm mỹ, ngày nay nội dung tư tưởng cần phải là tính chất quyết định. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều có chủ ý, đó là điều không thể chối cãi. Ngày nay những tư duy anh hùng và lý tưởng về thế giới đang trị vì...(179.159)
Tư tưởng chính trị trong nghệ thuật phát xít được coi trọng đến mức ngay cả mốt cũng bị can thiệp. Năm 1941 có tác giả đã viết: "Trong quá khứ nước Ðức chưa hiểu hết ý nghĩa chính trị của mốt. Ðã không nhìn thấy rằng, đồng thời với việc hấp thụ những mốt nước ngoài, một cách sống và ngôn ngữ ngoại lai cũng xâm nhập vào đất nước. Mốt đã được xem như là vô chính trị".(178-255)
Ðương nhiên trong hội họa và điêu khắc, những tư tưởng quốc xã có thể hiện dễ dàng hơn trong ca kịch. Có vô kể những tranh, tượng minh chứng cho điều đó. Một trong những tư tưởng quốc xã là mối quan hệ tinh thần sâu sắc giữa nhân dân và lãnh tụ dân tộc. Bức tranh "Chúng Con Muốn Ðược Gặp Thống Lĩnh" của Doroteia Hauer thể hiện niềm phấn khởi của nhân dân khi Thống Lĩnh xuất hiện. Các em nhỏ đang túm quanh chân những chiến sĩ SS đáng yêu, các chiến sĩ sánh vai nhau tạo thành hàng, và tất cả đều đứng lặng trước Thống Lĩnh kính yêu.
Thể hiện tình yêu của nhân dân đối với đảng quốc xã cũng là một trong những nhiệm vụ của nền nghệ thuật Ðế Chế. Có hàng loạt tác phảm điêu khắc về chủ đề này: người mẹ và con trai đang đứng nhón chân hướng về bầu trời quốc xã.
Một bức tranh thể hiện niềm tin của nhân dân vào chế độ được đặt tại phòng làm việc của Hitler như biểu tượng cho phong trào quốc xã có nội dung như sau: Một cánh đồng trống, phía chân trời đang xuất hiện mặt trời dưới hình chữ thập gãy; nhân dân đang phấn khởi chạy về phía mặt trời quốc xã với cánh tay giơ về phía trước.
Trong lĩnh vực kiến trúc, nguyến tắc thống trị là hình khối thô thiển và "những đường nét lỗi thời" (178-228), thể hiện rõ nét tư tưởng và tham vọng của nhà nước độc tài về vĩ đại. Ðây là sự lạc hậu không thể chấp nhận, vì Ðức là nơi nghệ thuật kiến trúc tân tiến xuất hiện đầu tiên ở Châu Âu. Ngay từ năm 1932, nghĩa là trước khi bọn phát xít nắm quyền, theo thiết kế của giáo sư Valter Gropiux, "Ngôi nhà Xây Dựng" nổi tiếng đã được thi công tại Dexau. Những đường nét đơn giản, hài hòa và đặc biệt nhẹ nhàng, thanh cảnh đã biến nó thành hình ảnh kiểu mẫu cho kiến trúc tân tiến.
Mặc dù vậy, nền kiến trúc quốc xã vẫn hết sức lạc hậu với những nguyên tắc hình khối thô thiển và cổ điển giả mạo. Những nguyên tắc này được thể hiện trong tất cả các công trình kiến trúc cho đảng và nhà nước, chúng mang dáng dấp lâu đài, thành quách thời phong kiến, nhưng được xây dựng trong xã hội công nghiệp.
Các khái niệm về anh hùng và bi kịch cũng bị thay đổi do những nguyên tắc cơ bản của học thuyết quốc xã về mối liên quan giữa cá thể và xã hội, giữa tự do và trách nhiệm. Về vấn đề này, trong bài báo "Bước ngoặt trong bi kịch" vào tháng 9.1935, báo Baustaine Xur Doitren Nasionalteater, tiến sĩ Herman V.Anderx viết: "Việc phủ nhận bi kịch cá nhân thực sự là một bước ngoặt cách mạng về khái niệm bi kịch. Bi kịch xã hội sinh ra trong quá trình quật khởi và thăm dò, từ những nguyên tắc tư tưởng quốc xã cơ bản và từ những khát vọng vĩ đại về những giá trị tinh thần sâu sắc nhất của nhân cách.
Rõ ràng nó khác xa bi kịch ảo tưởng cổ truyền và bi kịch cá nhân muôn thuở . Bản thân con người không phải là đối tượng của thông tin, không phải là cuộc sống thế giới trong bức tranh vũ trụ . Ý nghĩa và bản chất của bi kịch là nhân dân và cộng đồng; những người Ðức tồn tại trong những phẩm chất và giá trị của dân tộc Ðức. Chế độ quốc xã, như nguyện vọng về giá trị tối cao, chính là bi kịch - bi kịch khẳng định cao nhất cho cuộc sống." (179-159)
Cá nhân riêng biệt không thể là bi kịch, bởi vì trước khi đạt được điều đó, cá nhân cần phải là anh hùng. Mà anh hùng cá nhân thì mâu thuẫn với nhà nước và đảng phát xít, mâu thuẫn với cộng đồng quốc xã. Ðối với con người quốc xã, điều này cấm kỵ, thậm chí không được phép nghĩ tới, bởi vì đảng và nhà nước là những giá trị cao nhất trong nhận thức của các cá nhân. Cá nhân nào chống lại nhà nước phát xít là vô nghĩa và xứng đáng bị hủy diệt như kẻ phạm tội và không bao giờ có thể là anh hùng hay bi kịch. Cá nhân chỉ có thể anh hùng như một phần tử trong cộng đồng (nhà nước, đảng, nhân dân) và chỉ khi phục vụ cho cộng đồng này.
Vì lý do đó, bọn quốc xã công nhận bi kịch tập thể và phủ nhận bi kịch cá nhân. Ở ngoài tập thể và chống lại tập thể thì không thể có anh hùng và bi kịch cá nhân. Từ đây suy ra một cách logic rằng, những đối thủ chính trị của nhà nước độc tài và đảng cầm quyền không thể là những nhân vật bi kịch, vì họ không thể là những người anh hùng. Từ đây cũng dẫn đến những đạo luật man rợ của nhà nước độc tài: làm nhục, buộc tội những tội nhân là phản bội trước khi giết họ .
Ðể có thể thực hiện được những chức năng xã hội và chính trị của mình - giáo dục nhân dân theo tinh thần tư tưởng của đảng quốc xã - nghệ thuật cần phải gần gũi quần chúng, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nói được chính xác với tất cả mọi người theo một ý nghĩa nhất định, không có chỗ cho những cách hiểu bóng gió.
Nói cách khác, yêu cầu của đảng phát xít đối với văn hóa và nghệ thuật không chỉ giới hạn trong việc lựa chọn chủ đề sáng tác phải mang tính đảng, mà còn ở cách thể hiện chủ đề này: quan trọng không chỉ là thể hiện cái gì, mà phải thể hiện thế nào cho thành một tác phẩm nghệ thuật. Tính thực dụng thô thiển và chi tiết vụn vặt được coi trọng hơn cả . Ðây là nguyên nhân dẫn đến lòng căm thù man dại của bọn cầm quyền quốc xã đối với những tư tưởng và mọi hình thái nghệ thuật hiện đại (chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa tân thời, chủ nghĩa hình khối, chủ nghĩa hoài nghi). Năm 1937 những xu hướng nghệ thuật này bị xem là "nghệ thuật thoái hóa" và bị theo dõi gắt gao. Màn giáo đầu cho cuộc bài xích nghệ thuật hiện đại là "Triển lãm Nghệ Thuật Thoái Hóa" tại Miunhen vào tháng 7.1937 theo sáng kiến của giới lãnh đạo Ðảng Công Nhân Quốc Xã. Nhân dịp này, Hitler đọc diễn văn, trong đó có đoạn:
"Như vậy tôi đi đến kết luận, rút ra con đường vững chắc cho nền nghệ thuật Ðức và giao cho nông dân một nhiệm vụ duy nhất: bắt nó đi theo con đường mà cuộc cách mạng quốc xã đã mở ra cho nhân dân Ðức.
Ðây là giai đoạn của những sự nghiệp vĩ đại trong mọi lĩnh vực vì sự tiến bộ của con người, quan tâm không chỉ đến những nhu cầu tinh thần cấp thiết mà cả cái đẹp lý tưởng cũng không còn là biểu tượng phô trương điên rồ và hoang dại trong nghệ thuật, của những tàn dư từ thời kỳ đồ đá, của sự mù quáng màu sắc, của những phác thảo thử nghiệm ngờ nghệch bởi những kẻ khùng điên vô tích sự trên đây. Nước Ðức của thế kỷ XX là nước Ðức của nhân dân, những dân tộc Ðức trong thế kỷ này đã được thức tỉnh về cuộc sống, hấp dẫn bởi sức mạnh và vẻ đẹp, và là một dân tộc khỏe mạnh và yêu đời.
Vì mục đích này, toàn bộ gia sản nghệ thuật dân tộc cần được giữ trên nền tảng vững vàng và chắc chắn, để cho những thiên tài thực sự có thể phát triển. Thiên tài không phải là không suy nghĩ" (178-388).
Ðây là lời phê chuẩn của đảng cho nghệ thuật hiện đại. Diễn văn chống "nghệ thuật thoái hóa" được các cán bộ đảng lớn nhỏ, các lãnh đạo những hiệp hội trí thức nhắc đi, nhắc lại. Toàn bộ diễn đàn, đài phát thanh, phim ảnh đưa những phân tích và đánh giá về diễn văn của Quốc trưởng. Một số người gọi bài diễn văn này là lịch sử, số khác - cương lĩng, số khác nữa - mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa nước Ðức...
Các họa sĩ hiện đại bị gọi là "những kẻ giết nghệ thuật", "những kẻ điên rồ", "những kẻ thối nát", "chậm tiến", còn những tac phẩm của họ - "những tư tưởng thoái hóa vô ý thức". (Ạ Sigler)
Năm 1937 và cả nhiều năm sau đó, xuất hiện hàng loạt bài viết chống "nghệ thuật thoái hóa" dưới nhiều hình thức khác nhau: phê bình, nghiên cứu... Sau khi cuộc tấn công chống "nghệ thuật thoái hóa" trở thành nhiệm vụ quốc gia, toàn bộ bộ máy nhà nước bị thu hút và hưởng ứng chiến dịch này.
Thí dụ trong một bài báo có đoạn viết: "Từ nay chúng ta sẽ tiến hành một cuộc đấu tranh triệt để nhằm quét sạch những phần tử cuối cùng nghệ thuật thoái hóa."(178-312). Sự thật là bọn quốc xã đã dùng nhiều biện pháp "hiệu quả" để chống lại nghệ thuật hiện đại.
Chiến dịch khủng bố nghệ thuật hiện đại kết thúc bằng sắc luật thu hồi những tác phẩm nghệ thuật "thoái hóa" ban hành ngày 31.5.1938. Theo luật này, "những tác phẩm nghệ thuật thoái hóa được lưu trữ trong các viện bảo tàng trước khi sắc luật này ban hành và theo
nhận xét của Quốc Trưởng là nghệ thuật thoái hóa, có thể sẽ bị tịch thu vô điều kiện vì lợi ích quốc gia... Ðối với những trường hợp đặc biệt có thể áp dụng những biện pháp cương quyết hơn..." (178-337)
"Những biện pháp cương quyết hơn" được thể hiện bằng cách cấp "sổ lao động" cho những họa sĩ hiện đại không muốn sửa chữa sai lầm và vẽ Sự Thật theo thị hiếu của giới lãnh đạo đảng Quốc Xã; tước bằng họa sĩ của họ và biến họ thành những người lao động thể lực thông thường.
Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng những hành vi kỳ quặc chống nghệ thuật này ở Ðức chỉ được tiến hành do ban lạnh đạo chính trị chóp bu. Những hành vi này còn được bọn tầm thường trong các hiệp hội trí thức ủng hộ triệt để . Cụ thể là trong những tổ chức quốc gia này, đảng và nhà nước phát xít đã huấn thị cho bè lũ gián điệp của mình - bọn tầm thường và thông qua chúng, chà đạp nền nghệ thuật tự do và chính hiệụ ở đây quyền lợi và sự cộng tác giữa bọn tầm thường và đảng phát xít liên quan chặt chẽ đến mức, dưới con mắt của người quan sát bên ngoài, mọi vấn đề được thể hiện như sau: những nghệ sĩ "chân chính" sáng tạo nghệ thuật, còn những người tân tiến cản trở họ, dẫn đến cần có sự can thiệp của nhà nước; nhà nước liền gạt bỏ những trở ngại này và nền nghệ thuật lại được phát triển theo con đường do Ðảng Quốc Xã vạch rạ
Một câu hỏi lớn được đặt ra: tại sao nhà nước độc tài phát xít lại theo dõi và căm thù vô độ nghệ thuật hiện đại? Ðôi khi người ta đã thử giải thích hiện tượng này bằng chủ nghĩa bài Do Thái, đặc biệt ở Ðức vì một phần trong các họa sĩ hiện đại là người Do Thái. Cách giải thích này không thỏa đáng, bởi vì phần lớn những đại diện của nghệ thuật "thoái hóa" là người Ðức thuần chủng. Thậm chí một vài người trong đó còn là đảng viên quốc xã với những cống hiến nhất định cho đảng này. Thí dụ: Emil Nolde vào đảng cùng thời với Hitler và là một trong những người sáng lập đảng này. Mặc dù vậy, ông ta vẫn bị xem là "thoái hóa" và bị chính quyền theo dõi. Thực chất một vài người trong những họa sĩ hiện đại bị theo dõi vì họ đã vén tấm màn che sự thật. Nhưng cũng chỉ có vài người như thế. Oto Dicx bị xem là "thoái hóa" vì vẽ "màu xám của chiến tranh như màu xám" (151-208), G.Grox - "thoái hóa" vì lên án chủ nghĩa bành trướng, Paul Clei "thoái hóa" vì các "nhà độc tài nghệ thuật" không hiểu được nghệ thuật của ông. (151-208)
Nguyên nhân thực sự là, nghệ thuật hiện đại vượt ra ngoài những khuôn phép mà bọn phát xít áp đặt cho nghệ thuật nói chung - bắt nghệ thuật phải mù quáng phục tùng những tư tưởng chính trị và nhiệm vụ giáo dục của tư tưởng này. Ðặc trưng của nghệ thuật hiện đại là, tự do chủ thể rộng lớn của người họa sĩ trong việc diễn giải chủ đề với những tính chất chủ quan không tránh khỏi, khiến người họa sĩ trở nên ít phụ thuộc vào nguyện vọng và ý muốn của giới lãnh đạo chính trị, nghĩa là tác phẩm của họa sĩ trở thành xu hướng chống đối lại chế độ . Nhưng điều này mâu thuẫn với một trong những nguyến tắc cơ bản của nhà nước phát xít: không cho phép bất kỳ xu hướng chống đối nào.
Ngoài ra nghệ thuật hiện đại không thể trùng lặp với những tiêu chuẩn của nhà nước độc tài, vì nó không thể mang chức năng xã hội - chính trị nhằm giáo dục nhân dân theo tinh thần tư tưởng phát xít. Ðiều này hoàn toàn không thể thực hiện được, bởi vì người họa sĩ có quyền tự do rộng lớn khi thể hiện chủ đề, có thể cho chủ đề những nội dung không lợi cho chế độ chính trị; hơn nữa nghệ thuật hiện đại để cho người xem tự do phân tích, phụ thuộc vào trình độ, cảm hứng và kinh nghiệm cá nhân của họ; và điều này rõ ràng không phù hợp với lối tư duy bất biến của đảng.
Ðể làm sáng tỏ vực sâu ngăn cách giữa những tư tưởng chính trị - văn hóa của nhà nước phát xít và bản thân nghệ thuật, chúng ta sẽ dịch một số lời phát biểu của các nhà văn hóa quốc xã về những yêu cầu đối với nghệ thuật. Vào năm 1937, Gobelx đã nêu quan điểm của mình như sau: "Nghệ thuật Ðức trong những thập kỷ tới cần phải anh hùng, sắt thép, thơ mộng, không mềm yếu, thiếu nội dung, cần mang tính dân tộc, với bầu nhiệt huyết nóng hổi, nghệ thuật hoặc đồng thời vừa có nghĩa vụ và trách nhiệm, hoặc sẽ trở nên vô nghĩa."(151-203)
Tiến sĩ Adolf Fiolner đã trả lời như sau về câu hỏi nghệ thuật mới cần phải như thế nào: "Hình thái phải dễ hiểu và rõ ràng. Nội dung phải nói được với tất cả mọi người. Nội dung nghệ thuật phải phục vụ mục đích giáo dục tư tưởng cho nhân dân. Nghệ thuật cần phải mang sức sống như trước đây. Nghệ thuật cần phải mang tư tưởng đến cho nhân dân. Nghệ thuật cần phải phát hiện những biểu tượng mới mẻ của dân tộc."(178-156)
Dưới đầu đề "Văn học Ðức - Thể hiện Cảm hứng Yêu đời Quốc Xã", báo Filmcurner viết: "Chế độ quốc xã giao cho các nhà văn nhiệm vụ củng cố sức mạnh. Nó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm vô điều kiện trước cuộc sống."(120-317)
Tóm lại, yêu cầu của bọn quốc xã đối với nghệ thuật là: nghệ thuật không được xa rời quần chúng, vô chính trị, cá nhân, hoài nghi, hư vô, mềm yếu, tân tiến, vô chính phủ; và nghệ thuật cần phải liên quan mật thiết với quần chúng (Hitler), đi theo con đường mà cuộc cách mạng quốc xã vạch ra (Hitler), anh hùng, thơ mộng (Gobelx), đồng thời vừa có nghĩa vụ và trách nhiệm, hiện thực, phục vụ mục đích giáo dục tư tưởng cho nhân dân, rõ ràng và dễ hiểu cho tất cả mọi người, khẳng định cuộc sống, có hy vọng.
Tác phẩm nghệ thuật nào không đáp ứng được những tiêu chuẩn thẩm mỹ trên của đảng và chế độ quốc xã thì không có quyền tồn tại. Ủối với nhà nước phát xít, những tác phẩm như thế không phải nghệ thuật, mà là chống đối chính trị và cần phải hủy diệt.
Gyom Vaix, một trong những kẻ cộng tác đắc lực cho Gobelx, đã từng phát biểu như sau: "Nếu một tác phẩm nghệ thuật được thể hiện vì những tư tưởng quốc xã, chúng ta cần phải khích lệ . Còn ngược lại, không những chúng ta có quyền, mà còn có nghĩa vụ phải hủy diệt nó. Phê bình nghệ thuật không phải là vấn đề thẩm mỹ, mà là chính trị thuần túy."(155-160)
 
         C. Chấn chỉnh khoa học và đội ngũ cán bộ khoa học. Trong lĩnh vực khoa học, đảng quốc xã cũng thi hành những chính sách như trong văn học và nghệ thuật. Nguyên tắc cơ bản là, nền khoa học và sự nghiệp nghiên cứu khoa học phải phục vụ cho sự nghiệp của đảng, và chỉ như thế mới có lợi cho xã hội. Từ đây suy ra những kết luận cụ thể như sau:
(1) Toàn bộ nền khoa học và sự nghiệp nghiên cứu khoa học phải được xây dựng theo tinh thần tư tưởng và nhiệm vụ của đảng;
(2) Tất cả những cán bộ khoa học không đáp ứng được vai trò này cần phải sa thải khỏi trường đại học và các cơ sở nghiên cứu, đồng thời bổ nhiệm thay thế những cán bộ quốc xã từng trải.
Tháng 7. 1934, Hội đồng Ðại học gồm những cán bộ đảng dưới sự lãnh đạo của Alfred Rozenberg được thành lập "với nhiệm vụ: kiểm tra tư cách của tất cả cán bộ khoa học trong các trường đại học và nếu có nhận xét tốt thì gửi danh sách cho Hội đồng Bộ trưởng."(151-214) Bằng cách đó, việc bổ nhiệm cán bộ trong các trường đại học phụ thuộc hoàn toàn vào đảng phát xít. Kết quả là hàng loạt cán bộ khoa học bị sa thải vì quan điểm chính trị hay vì nguồn gốc "không thuần chủng". Ðến giữa năm 1937 con số này lên tới 1684 người (103-218), trong đó có các giáo sư Guxtax Fon Berman, Emel Lederer, Edauard Norden... Ngoài ra còn có năm người đã từng được giải Nobel: hai nhà vật lý - Albert Ainstain và Macx Born, và ba nhà y học.
Chỉ riêng trường Tổng Hợp Berlin đã có tới 230 giảng viên bị thải hồi.
Sau khi vấn đề cán bộ đã được giải quyết bằng phong trào "làm trong sạch" đội ngũ, đảng phát xít chuyển sang phần công việc tiếp theo: nhồi nhét tư tưởng quốc xã cho sinh viên và cán bộ giảng dạy, và chấn chỉnh lại công tách nghiên cứu khoa học cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị của nó.
Trong các trường đại học, môn chính trị toàn cầu trở thành mộn học bắt buộc, và nhờ đó mà một loạt bộ môn "khoa học" xuất hiện: kinh tế toàn cầu, chiến lược toàn cầu, pháp luật toàn cầu... và như vậy, cái gọi là "đồng hóa chính trị toàn cầu" (thuật ngữ này do bọn quốc xã sử dụng đầu tiên) các môn khoa học được hình thành.
Nội dung giảng dạy trong các trường học cũng được cải cách theo tinh thần "lý thuyết" chủng tộc. Hitler dạy: "Sự nghiệp giáo dục cần tiến hành làm sao cho trẻ em Ðức ngay lập tức hiểu được nguồn gốc thượng đẳng của mình". (103-205)
Trong công tác nghiên cứu khoa học, khẩu hiệu cao nhất là: phục vụ chế độ quốc xã và tư tưởng quốc xã là trên hết. (155-215)
Kết quả cuối cùng là, trong tất cả các giảng đường và cơ sở nghiên cứu, sự thống trị toàn diện và không thể tách rời của đảng quốc xã được thiết lập - thống trị kể cả về vấn đề cán bộ, cũng như mục đích, ý nghĩa và bản thân nền khoa học.
"Tự do sáng tạo" và "quyền tự trị của các trường đại học" bị hủy diệt hoàn toàn. Hơn thế nữa, các trường đại học còn bắt đầu bị cưỡng ép. Nhà tư tưởng của đảng - Alfred Rozenberg, khi trả lời những công kích ở nước ngoài về những hành động chống "tự do sáng tạo" trong nước Ðức đã nói như sau: "Không bao giờ đảng đe dọa quyền tự do nghiên cứu! Trong công tác nghiên cứu khoa học không hề có đổ máu. Những binh sĩ SA rõ ràng đã mang lại cho sự nghiệp nghiên cứu của nước Ðức nhiều hơn, so với một vài giáo sư trong các trường đại học. Do đó phong trào cách mạng có quyền ấn định những luật lệ của mình cho thế giới mới." (151-213)
Ða phần giới trí thức cộng tác với chế độ và tự thanh minh rằng, như thế cũng là phục vụ cho nhân dân. Những nguyên tắc dân chủ tốt đẹp như tự do ngôn luận, quyền độc lập cho các nhà bác học bị đẩy lùi và bị hy sinh cho những quyền lợi "dân tộc".
Ðó gần như là sự quy phục của giới trí thức trước nhà nước phát xít.



Còn nữa

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ăn chay như một cách trị liệu

Ăn chay như một cách trị liệu   Nguyễn Văn Tuấn          22/03/2009 Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia.  Ở các nước phương Tây,  theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5% dân số Anh và Mĩ cho biết họ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên.  Ở nước ta, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sự có mặt của các nhà hàng và quán ăn chay cùng lượng thực khách đông đảo cho thấy số người ăn chay đang tăng dần trong thời gian gần đây. Danh từ “ăn chay” đối với người Việt chúng ta là chế độ ăn uống không có đạm động vật, nhưng với người phương Tây, có đến 3 nhóm ăn chay.  Nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ sũa.  Nhóm thứ hai là

Xem phim 300 và tưởng nhớ quá khứ anh hùng ông cha

Bộ phim miêu tả cuộc chiến không cân sức giữa 300 chiến binh dũng mãnh Sparta, dưới sự chỉ huy của vị vua  Leonidas , với 1 triệu quân của đế chế  Ba Tư  cổ đại.   bộ phim là tiếng nói ca ngợi tự do và là khúc tráng ca của lòng yêu nước  [3] . Chuyện phim kể về cuộc đời  Leonidas  -  vua  của thành bang  Sparta  ở  Hy Lạp , dưới dạng hồi ức của  Dilios  - một tướng thân cận dưới trướng Leonidas. Ở Sparta xưa có tục lệ giết hài nhi ốm yếu hay dị tật từ lúc chúng mới sinh, chỉ giữ lại những đứa trẻ khỏe mạnh nhất, Leonidas là một trong số trẻ em may mắn đó. Năm 7 tuổi, cậu bé bị tách khỏi người mẹ thân yêu để trưởng thành trong sự khổ luyện khắc nghiệt. Leonidas được dạy rằng không được nhân từ, không được khoan nhượng với kẻ thù, và  chết  trên chiến trường chính là vinh dự lớn lao nhất mà cậu nhận được. Cuối cùng, khi đã trưởng thành, Leonidas trải qua thử thách cuối cùng trong cánh  rừng   mùa đông  với con sói dữ. Cậu phải chọn lựa: Hoặc là sống sót quay về, trở thành vua của Spa

Tâm lý bạn gái - Hoàng Xuân Việt

Đời Sống Tình Cảm Của Bạn Gái     1 - Người Bạn Gái Với Ái Tình       Trong tòa nhà tình cảm của bạn gái, ái tình đóng vai trò rường cột. Ở người bạn trai, trái tim cũng hoạt động, nhưng thua ở người bạn gái, thua cách riêng về mặt tế nhị, sâu xa. Bạn trai thường chú trọng nhan sắc, xác thịt, thường lo lắng xâm chiếm làm chủ một trái tim khác và dễ dàng phát lạc tình yêu khi được kẻ khác yêu. Hơn nữa, dù ở tuổi dậy thì là tuổi nhiều lửa ái, người bạn trai chỉ coi việc yêu đương là một trong bao nhiêu hoạt động khác. Dù muốn chạy theo tình yêu là thôi hay không họ cũng chẳng bị bắt buộc "lo yêu" một cách khắc nghiệt với bản năng. Lý trí rất giàu ở nam nhơn, khiến tình yêu bị chi phối dễ dàng hoặc giả chăng bản năng tình dục họ quá mạnh, ý trí trong một giai đoạn bị coi rẻ, sau cùng cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho họ cải tà quy thiện. Ở bạn gái: khác hẳn. Bạn gái là Ái Tình. Họ chính là Yêu. Bản chất của họ đượm màu sắc luyến ái. Trong đường gân máu