Chuyển đến nội dung chính

LIỆU ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN KHỐNG CHẾ TRUNG QUỐC?

 LIỆU ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN KHỐNG CHẾ TRUNG QUỐC?

Đăng bởi anhbasam on 22/01/2011
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ sáu, ngày 21/01/2011

LIỆU ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN KHỐNG CHẾ TRUNG QUỐC?

TTXVN (Luân Đôn 17/1)
Thời gian gần đây Trung Quốc nhiều lần tỏ thái độ bá quyền làm mất lòng các nước láng giềng, buộc họ phải xích lại và tìm kiếm một sự cân bằng từ bên ngoài. Nhưng theo tờ “Người Bảo vệ” (Anh) ngày 15/1, các nước phương Tây vẫn chưa cần thiết phải lập ra một cơ chế hoặc liên minh để khống chế sự bành trướng này của Trung Quốc.
Theo bài báo trên, chuyến thăm Oasinhtơn của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng. Trên thực tế, với sự đầu tư khổng lồ cho quân sự của Trung Quốc, việc các nước láng giềng hình thành một nhóm đối tác chiến lược, và cam kết tái can dự của Mỹ vào an ninh châu Á, nhiều nhà quan sát cho rằng năm 2010 đã đánh dấu sự xuất hiện của một cuộc chiến tranh lạnh mới trong khu vực.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm (ít nhất là tại thời điểm này) nếu cho rằng cần phải lập một tổ chức hoặc liên minh chính thức để ngăn chặn Trung Quốc giống như đã làm trước đây với Liên Xô. Chính sách “ngăn chặn”, nếu có thể gọi như vậy, được lập ra để chống lại chế độ toàn trị ở Liên Xô – vốn không chỉ hung hăng về mặt lý tưởng và đang củng cố quá trình thực dân hoá ở Đông Âu mà còn chủ động đóng cửa với nền kinh tế thế giới bên ngoài.
Ngày nay Trung Quốc khác hoàn toàn. Quốc gia này không công khai phát triển đế chế quân đội như Liên Xô, ít nhất xét cả quá trình lịch sử. Nhà binh pháp vĩ đại Tôn Tử của Trung Quốc cho rằng nên làm hao mòn trí lực của kẻ thù hơn là giao chiến với họ. Cho đến nay, hầu hết các động thái hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực vẫn phản ánh chiến thuật này.
Quan trọng hơn, cách đây 3 thập kỷ Trung Quốc đã từ bỏ chế độ toàn trị về kinh tế. Ngày nay, nền kinh tế này có một mối liên kết sâu rộng và (hy vọng sẽ) bền vững với châu Á. Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc thu hút các linh kiện, phụ tùng với khối lượng khổng lồ từ khắp châu Á: Từ Thái Lan, Malaixia, Philíppin, Inđônêxia, tới những nơi giàu hơn như Xinhgapo, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giúp Trung Quốc đi sâu vào mạng lưới sản xuất công nghệ cao ở châu Á. Mọi người đều được lợi từ các mối liên hệ này. Trong suốt 3 thập kỷ Trung Quốc vươn lên từ nghèo nàn thành một khổng lồ về kinh tế, thương mại nội ở châu Á tăng nhanh hơn so với thương mại của khu vực này với bên ngoài, cho thấy một sự hội nhập sâu hơn và đi vào chất lượng.
Sự gia tăng mạnh mẽ về tiềm lực quân sự của Trung Quốc là một lý do dễ thấy khiến các nước khác lo ngại. Tuy nhiên, ngay cả với số liệu ước tính lớn nhất, ngân sách quân sự của Trung Quốc hiện chỉ tương đương với Nhật Bản, và tất nhiên thấp hơn nhiều so với tổng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, Ấn Độ và Nga – 3 nước tiếp giáp với Trung Quốc, chưa kể đến Inđônêxia, Hàn Quốc và Đài Loan. Hơn nữa, Nga và Ấn Độ cùng sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Nhật Bản có đủ khả năng công nghệ để tái thiết hệ thống quốc phòng có thể đối phó với bất cứ mối đe doạ hạt nhân nào trong khu vực.
Vì vậy những thách thức đặt ra bởi Trung Quốc hiện nay chủ yếu mang tính chính trị và kinh tế chứ không phải là quân sự. Về ý định của Trung Quốc, phải chăng nước này sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên để xây dựng một vị thế bá quyền ở châu Á bằng cách loại bỏ Mỹ ra khỏi khu vực và ngăn chặn các nước láng giềng liên kết với nhau? Hay Trung Quốc cũng chỉ đang tham gia nỗ lực chung xây dựng một châu Á dựa trên một hệ thống các nguyên tắc chung, giống như tiến trình đã diễn ra ở châu Âu?
Nếu nhìn nhận như vậy, sự nổi lên của Trung Quốc cũng là một phép thử đối với khả năng và cam kết can dự của Mỹ đối với khu vực này. Lâu nay Mỹ vẫn phản đối bất kỳ sự hình thành nào của một thế lực bá quyền ở châu Á, thể hiện trong Tuyên bố Thượng Hải ký với Trung Quốc năm 1972. Mục tiêu này phải được theo đuổi thông qua các công cụ chính trị và kinh tế, cho dù nó được chống đỡ bằng sức mạnh của Mỹ.
Trước năm 2010, hầu hết các nước châu Á đều không thích phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay là Mỹ. Nhưng thái độ kẻ cả của Trung Quốc đã tạo ra những lý do để các nước muốn có một hệ thống đa phương khu vực với sự bảo trợ của Mỹ, hơn là một hệ thống nơi Trung Quốc tìm cách dẫn dắt. Năm 2011 có thể sẽ là năm quyết định xem động thái này của châu Á có khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem xét lại hay không cách hành xử ngoại giao đã đẩy nước này vào tình thế chỉ còn hai quốc gia nghèo khó, tham nhũng là Mianma và Bắc Triều Tiên, là những người bạn có thể tin cậy.
***
TTXVN (Tôkyô 14/1)
Ngày 1/1/2011, nhật báo Asahi đã đăng bài phân tích của các đồng tác giả Kazuto Tsukamoto, Fusako Go và Takeshi Fujitani về việc các nước Đông Nam Á thay đổi chính sách đối phó với cường quốc đang nổi lên Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài viết:
Ngày 22/6/2010, trong đêm tối, các tàu của hai quốc gia đã đối mặt với nhau ở vùng biển phía Tây Nam quần đảo Natuna của Inđônêxia, nằm giữa bán đảo Mãlai và Kalimantan ở Borneo. Một tàu lên tiếng: “Đây là vùng viển truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi không công nhận nó là vùng đặc quyền kinh tế của Inđônêxia. Hãy thả chiếc tàu đánh cá đã bị thu giữ”. Tàu kia đáp lại: “Chúng tôi không thể cho phép các hoạt động đánh bắt thuỷ sản bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hãy rời khỏi khu vực này ngay lập tức”.
Theo một quan chức Inđônêxia, người có mặt tại hiện trường tại thời điểm đó, một bên gồm hai chiếc tàu vỏ thép được sơn màu trắng, với chiều dài thân tàu khoảng 100m. Các tàu này có các ký tự Trung Quốc là China Yuzheng 311 và China Yuzheng 303. Các tàu tuần ngư này của Trung Quốc đều được trang bị các khẩu súng máy cỡ lớn trên boong tàu. Bên còn lại là một tàu bảo vệ bờ biển của Inđônêxia. Chiếc tàu này đã bắt giữ một chiếc tàu thuộc hạm đội tàu đánh cá 16 chiếc của Trung Quốc đánh bắt các bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của Inđônêxia. Tàu của Inđônêxia chỉ dài 28m chỉ có một chiếc súng máy nhỏ.
Quan chức của Chính phủ Inđônêxia đã mô tả các tàu tuần ngư của Trung Quốc như “tàu chiến”. Chiếc tàu chiến này đã cảnh báo: “Nếu các bạn không thả chiếc tàu đánh cá trên (của Trung Quốc), chúng tôi sẽ nổ súng”.
Sáng hôm sau, một tàu hải quân của Inđônêxia đã được cử tới hiện trường. Các cuộc thương lượng đã kéo dài liên tục trong 10 tiếng đồng hồ, với các khẩu súng ở cả hai phía chĩa vào nhau. Quan chức Inđônêxia đã thừa nhận rằng không thể làm gì trong trường hợp đối mặt với sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc và chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đã được thả với điều kiện rằng nó phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Inđônêxia.
Ở Biển Đông, các cuộc tranh chấp lãnh thổ đã nổi lên giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong nhiều năm qua. Gần đây, có hàng loạt vụ việc với sự tham gia của các tàu tuần ngư của Trung Quốc. Phần lớn các vụ việc này không bao giờ được công khai.
Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam cho biết: “Những điều đang xảy ra ở vùng biển này trên thực tế không đựơc người ngoài biết đến”. “Trung Quốc không bao giờ thay đổi lập trường rằng các vấn đề lãnh thổ cần phải được giải quyết giữa hai nước liên quan. Nhiều nước không bao giờ công bố các vụ việc mà không tính tới nước láng giềng quá mạnh này”.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào tháng 7/2010 tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội. Chiều 23/7, các bộ trưởng ngoại giao của 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia hội nghị, trong đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ lực ở biển Đông và kêu gọi dảm bảo quyền tự do đi lại trên biển. Mặc dù bà Clinton không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng tất cả các đại biểu tham dự hội nghị này đều biết bàn đang đề cập tới Trung Quốc. Các bộ trưởng ngoại giao khác cũng đề cập tới vấn đề này và cuối cùng, có 11 nước nói về các vấn đề trên biển Đông.
Tại các hội nghị của ASEAN trong quá khứ, Trung Quốc hầu như không bao giờ bị coi là nguyên nhân gây ra vấn đề này ở biển Đông. Bắc Kinh đã vận động hành lang các nước thành viên ASEAN để duy trì trạng thái như vậy. Sự thay đổi tại hội nghị vào tháng 7 ở Hà Nội đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì có hành động quyết liệt. Sau khi tạm rời khỏi phòng họp, Bộ trưởng Dương đã quay lại và có bài phát biểu nảy lửa trong khoảng 30 phút. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Bộ trưởng Dương đã chỉ trích kịch liệt những hành động khuấy động tâm lý chống Trung Quốc. Chỉ vào Bộ trưởng Ngoại giao Xinhgapo George Yeo, ông Dương đã đưa ra lời đe doạ rằng “trong khi Trung Quốc là một cường quốc lớn, diễn đàn này cũng có sự tham gia của nhiều nước nhỏ”. Bắc Kinh coi sự chỉ trích chống lại mình là cực kỳ gây sốc và đầy bất ngờ.
Do Trung Quốc và ASEAN đang tăng cường quan hệ trong những năm gần đây, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, câu hỏi nổi lên là tại sao các nước ASEAN lại chọn phương án làm gia tăng mâu thuẫn trong khu vực. Một chuyên gia về Trung Quốc ở Việt Nam nói: “Bước ngoặt này đến khi Trung Quốc coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình”. “Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng thuật ngữ, vốn chỉ áp dụng cho Đài Loan và Tây Tạng, để đề cập tới biển Đông”. Sự mở rộng này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chuẩn bị sử dụng lực lượng quân sự nếu nước này cảm thấy cần thiết. Điều này bị coi là tiền lệ nguy hiểm. Chúng tôi đã quyết định rằng vấn đề này cần phải được đưa ra tại hội nghị quốc tế để ngăn cản xu hướng hiện nay.
Theo một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội đã vận động hành lang các nước thành viên ASEAN khách để chuẩn bị cẩn thận cho sự thay đổi chính sách này. Các nước thành viên ASEAN cũng không muốn gây ra sự thù địch với Trung Quốc. Sudradjat, người từng giữ chức Đại sứ Inđônêxia tại Trung Quốc, nói: “Chúng tôi phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc đang nổi lên thành một cường quốc kinh tế. Điều quan trọng là duy trì quan hệ hữu nghị và thúc đẩy các cuộc đối thoại”.
Tuy nhiên, mối đe doạ này vẫn đang tồn tại và các quốc gia nằm bên bờ biển Đông đang tăng cường an ninh hàng hải bằng cách tăng số lượng đơn đặt hàng tàu ngầm. Một nguồn tin từ ASEAN nói: “Nó không phải vì mục đích đánh bại Trung Quốc bằng lực lượng quân sự mà cần phải chứng tỏ rằng chúng tôi sở hữu lực lượng như vậy”.
***
Ngày 1/1/2011, nhật báo Asahi đăng bài phân tích của phóng viên phụ trách vấn đề an ninh quốc gia Yoichi Kato về sự chuẩn bị của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) để đối phó với nước láng giềng Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài viết này:
Tại các cánh đồng mía trên một quả đồi gần như trơ trụi ở đảo Miyakojima, nằm rất xa đất liền, có một cơ sở nằm ở tiền tuyến của mặt trận thu thập tín hiệu tình báo của Nhật Bản. Tại hòn đảo nằm cách đảo chính Okinawa 300km về phía Tây Nam này, có 2 toà nhà giống như toà tháp, mỗi toà nhà cao khoảng 30m. Nằm kế bên hai tháp này có một toà nhà, thoạt nhìn giống như một nhà kho, có hình lục giác và có cùng chiều cao với hai tháp trên. Ba toà nhà này không có cửa sổ. Tất cả đều được sơn màu xanh lá cây.
Cơ sở tín hiệu tình báo này, thường được biết đến một cách chính thức là J/FLR-4A, nằm trong căn cứ dưới lòng đất đảo Miyako của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) Nhật Bản, nhưng có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng từ vành đai bên ngoài căn cứ này. Các thiết bị công nghệ cao của căn cứ này có khả năng bắt được nhiều loại tín hiệu điện tử được phát ra và thu về từ các máy bay. Các ăngten ở tất cả các loại tần số được lắp đặt bên trong ba toà nhà này sẽ thu các tín hiệu liên lạc rađiô, sóng rađa phát ra từ các máy bay cũng như các âm thanh điện tử từ tất cả các thiết bị điện tử, trong đó có hệ thống kiểm soát cháy, trên các máy bay. Thông tin này cho phép các quan chức tình báo xác định loại máy bay nào đang phát ra tín hiệu như vậy và về cơ bản cho mục đích gì.
Tất nhiên, mục tiêu cơ bản của căn cứ trên đảo Miyakojima là các máy bay Trung Quốc bay qua biển Hoa Đông. Cơ sở trên đảo Miyako bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009 với sự điều hành của ASDF và được trang bị các thiết bị thu tín hiệu tình báo hiện đại nhất. Đây là cơ sở thứ 2 sau cơ sở khác được đặt trên núi Seburi thuộc thành phố Fukuoka. Cơ sở tương tự thứ ba đang được xây dựng ở đảo Fukue thuộc chuỗi đảo Goto. Tất cả ba cơ sở này nằm trong hoặc phía Nam đảo Kyushu. Tất cả các thông tin tình báo thu thập được sẽ được chuyển về Bộ phận Tình báo Không gian của ASDF nằm ở căn cứ không quân Fuchu trong thành phố Tôkyô để phân tích.
Do mức độ bí mật cao của căn cứ trên nên căn cứ này được vây quanh bằng một hàng rào, trên đó có lắp đặt các cảm biến an ninh, cho dù nó nằm trong một căn cứ của ASDF.
Tại căn cứ ngầm Yozadake của ASDF trên một quả đồi ở thành phố Itoman, phía Nam đảo chính Okinawa, các cần cẩu cao đang hoạt động liên tục để xây dựng một cơ sở mới. Căn cứ được làm bằng ximăng hình tròn có đường kính 30m này mới được hoàn thiện. Một chiếc rađa ba chiều J/FPS-5 sẽ được lắp đặt trên nóc căn cứ này. Hệ thống rađa này sẽ được sử dụng để phát hiện và theo dõi các tên lửa đạn đạo. Do chiếc rađa này có vẻ ngoài giống như chiếc mai của con rùa quái vật khổng lồ biết bay Gamera trên tivi nên cơ sở này thường được gọi là “rađa Gamera”, thậm chí ngay trong lực lượng ASDF. Căn cứ Yozadake sẽ là căn cứ tương tự thứ 4 được xây dựng ở Nhật Bản sau các căn cứ khác ở đảo Shimokoshiki thuộc tỉnh Kagoshima, đảo Sado thuộc tỉnh Niigât và Ominato thuộc tỉnh Aomori.
Việc lắp đặt và nâng cấp tất cả các loại cảm biến để phát hiện tên lửa, máy bay và tàu chiến cũng như tàu ngầm đang được tiến hành ở đảo Kyushu và chuỗi đảo Nansei.
Giáo sư Desmond Ball thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường Đại học Quốc gia Ôtrâylia, người được coi là chuyên gia về các vấn đề an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, giải thích: “Đây là một trong những sự chuyển đổi đáng chú ý nhất trong khả năng thu thập thông tin tình báo kỹ thuật trên thế giới kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Diễn tập Nhật-Mỹ
Ngày 9/12, tôi được phép theo dõi cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nhật Bản và Mỹ mang tên “Kiếm sắc 2010” từ chiếc tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Chuyến bay kéo dài 1 giờ đồng hồ trên chiếc máy bay vận tải C-2 đã đưa tôi từ căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở tỉnh Okinawa tới chiếc tàu sân bay này, hiện đang hoạt động ở phía Đông đảo chính Okinawa, phía Tây Thái Bình Dương.
Trong Trung tâm Chỉ huy Tác chiến có một màn hình lớn, hiển thị bản đồ khu vực này. Nằm ở vị trí trung tâm của bản đồ là hòn đảo Okidaito. Một sỹ quan Hải quân Mỹ giải thích rằng hòn đảo này được coi là “bãi chiến trường” cho cuộc diễn tập này, trong đó có huấn luyện các biện pháp nhằm bảo vệ các hòn đảo nhỏ.
Viên chỉ huy của chiếc tàu sân bay Mỹ liên tục nhấn mạnh rằng cuộc diễn tập này không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Chính phủ Mỹ khẳng định rõ ràng rằng cuộc diễn tập này nhằm gửi tới Bắc Kinh một thông điệp.
Vận lộn để tìm đường ra
Vào tháng 4/2010, International Herald Leader, một tờ báo thuộc sự quản lý của Tân Hoa Xã (Trung Quốc), đã đăng hai bài viết về chiến lược hàng hải của Trung Quốc. Các bài báo này chỉ ra rằng có 9 tuyến đường biển để Trung Quốc thoát ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có “Kênh Miyako” nằm giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyalojima. Các tuyến đường này gồm:
+ Sông Đồ Môn – biển Nhật Bản – quần đảo Chishima-Tây Thái Bình Dương
+ Biển Hoa Đông-eo biển Osumi-Thái Bình Dương
+Biển Hoa Đông-eo biển Tokara-Thái Bình Dương
+Biển Hoa Đông-kênh Miyako-Thái Bình Dương
+ Biển Hoa Đông-kênh Tây Yonagunijima-Thái Bình Dương
+ Eo biển Đài Loan-Bashi-Các kênh đào Balintang-Thái Bình Dương
+ Biển Hoa Nam-Xingapo-eo biển Malắcca-Ấn Độ Dương
+ Biển Hoa Nam-eo biển Sunda-Ấn Độ Dương
+ Biển Hoa Nam-eo biển Mindoro-eo biển Makassar-eo biển Lombok-Ấn Độ Dương.
Các bài báo này mô tả Trung Quốc lo ngại các tuyến đường biển này đều bị kiểm soát liên tục trong thời bình và sẽ bị đóng lại trong thời chiến.
Một trong hai bài báo này dẫn nguồn tin từ Hải quân Trung Quốc nói: “Cần phải tự do ra vào các tuyến đường trên và giành được mục tiêu chiến lược là có khả năng chặn đứng sự tiếp cận của kẻ thù đối với các tuyến đường này”.
Chín tuyến đường thoát ra này của Trung Quốc đều nằm trong cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có 5 lối thoát nằm trong lãnh hải của Nhật Bản hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Do vậy, những lối thoát này đều đang được SDF giám sát và tuần tra một cách liên tục. Có thể thấy, một cuộc tranh giành quyết liệt đang diễn ra ở biển Hoa Đông giữa một bên là Trung Quốc, nước muốn đảm bảo lối thoát ra Thái Bình Dương, và một bên là Nhật Bản và Mỹ, những nước muốn kiểm soát sự tiếp cận này.
Ngăn chặn ở Nansei
Trước khi Chính phủ Nhật Bản soạn thảo các đường lối chương trình quốc phòng mới, Ban Tham mưu Bộ binh của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra một tài liệu nội bộ có tiêu đề “chốt sắt của chiến lược đối với chuỗi đảo Nansei”. Theo kế hoạch này, một cơ sở tác chiến sẽ được thiết lập ở chuỗi đảo Nansei thông qua việc triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ trên đất liền (GSDF) thường trực ở đây. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khả năng xảy ra một cuộc xung đột, các đơn vị từ trên khắp Nhật Bản sẽ được huy động tới khu vực này. Nếu hàng rào phòng thủ này bị phá vỡ và tình hình chiến sự nổi lên, mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để đẩy lùi những kẻ xâm lược.
Mục tiêu của chiến lược trên là “duy trì sự vượt trội về quân sự của Nhật Bản và Mỹ trước Trung Quốc trong khu vực này và buộc Trung Quốc từ bỏ tham vọng tạo ra mối đe doạ đối với các lợi ích quốc gia của Nhật Bản và Mỹ”. Bản chất của tài liệu này chính là chiến lược răn đe Trung Quốc. Phiên bản tiếng Anh của tài liệu này đã được chuẩn bị và GSDF đã giải thích với các đối tác Mỹ về chiến lược này.
Sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc
Chính sách không công khai quy mô quân đội hay vũ khí của Trung Quốc khiến cho người ta khó có thể phác ra bức tranh chính xác về sức mạnh thật sự của nước này. Tuy nhiên, điều mà nhiều người biết đó là chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng ở mức 2 con số trong vòng 21 năm qua. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2010 đã đạt 532,1 tỷ nhân dân tệ ((khoảng 82,4 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, ngân sách này vẫn chưa bao gồm chi phí phát triển các loại vũ khí mới. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao gấp khoảng 2 đến 3 lần con số ngân sách trên.
Chính quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đặt ưu tiên rõ ràng cho việc tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc. Theo báo cáo phát triển hàng hải Trung Quốc năm 2010 do Cơ quan Quản lý Đại dương Nhà nước của Trung Quốc soạn thảo, trong năm 2009, Chính phủ nước này đã soạn thảo kế hoạch chế tạo một chiếc tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay đầu tiên được sản xuất ở trong nước dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Theo tổ chức Heritage Foundation của Mỹ, Trung Quốc đặc biệt tích cực trong việc phát triển tàu ngầm. Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ gồm 78 chiếc vào năm 2025, vượt xa so với tổng số lượng tàu ngầm hiện nay của Nhật Bản, Mỹ và Ôxtrâylia.
Bảng so sánh tương quan lực lượng quân sự trong khu vực:
-         Trung Quốc:
+ Hải quân: 255.000 người
+ Không quân: 300.000 đến 330.000 người
+ Tàu ngầm: 65 chiếc
+ Tàu khu trục nhỏ: 50 chiếc
+ Tàu khu trục: 28 chiếc.
+ Máy bay ném bom và máy bay chiến đâu: 3.350
+ Kế hoạch: 2 tàu sân bay (trong đó có một tàu cho mục đích huấn luyện) vào năm 2014
-         Inđônêxia:
+ Hải quân: 45.000 người
+ Không quân: 24.000 người
+ Tàu ngầm: 2 chiếc
+ Tàu khu trục nhỏ được trang bị tên lửa dẫn đường: 7 chiếc
+ Tàu hộ tống cỡ nhỏ: 23
+ Máy bay chiến đấu: 96
+ Kế hoạch trang bị: Tàu ngầm (12 chiếc) và máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga (180) chiếc vào năm 2024
-         Việt Nam:
+ Hải quân: 13.000 người
+ Không quân: 30.000 người
+ Tàu ngầm: 2 chiếc lớp Yugo do Bắc Triều Tiên chế tạo
+ Tàu khu trục nhỏ: 5 chiếc
+ Tàu khu trục nhỏ được trang bị tên lửa dẫn đường: 6 chiếc
+ Máy bay chiến đâu: 219
+ Kế hoạch trang bị: tàu ngầm lớp Kilo của Nga (6 chiếc), máy bay chiến đấu Sukhoi (24 chiếc) và các tên lửa đạn đạo tầm ngắn (đang thương lượng với Ixraen?)
-         Xinhgapo:
+ Hải quân: 9.000 người
+ Không quân: 13.500 người
+ Tàu ngầm: 6 chiếc
+ Tàu khu trục nhỏ được trang bị tên lửa dẫn đường: 6 chiếc
+ Tàu hộ tống cỡ nhỏ có tên lửa dẫn đường: 6
+ Máy bay chiến đấu: 104
+ Kế hoạch trang bị: Máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới F-35
-         Nhật Bản:
+ MSDF: 42.400 người
+ ASDF: 43.700 người
+ Tàu ngầm: 16 chiếc
+ Tàu khu trục: 52 chiếc
+ Máy bay chiến đấu: 361
-         Ôxtrâylia:
+ Hải quân: 13.230 người
+ Không quân: 14.056 người
+ Tàu ngầm: 6 chiếc
+ Tàu khu trục nhỏ: 12 chiếc
+ Máy bay chiến đấu: 109
+ Kế hoạch trang bị: Tàu ngầm (12 chiếc), máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (6 chiếc) và máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới F-35 (100 chiếc)./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ăn chay như một cách trị liệu

Ăn chay như một cách trị liệu   Nguyễn Văn Tuấn          22/03/2009 Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia.  Ở các nước phương Tây,  theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5% dân số Anh và Mĩ cho biết họ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên.  Ở nước ta, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sự có mặt của các nhà hàng và quán ăn chay cùng lượng thực khách đông đảo cho thấy số người ăn chay đang tăng dần trong thời gian gần đây. Danh từ “ăn chay” đối với người Việt chúng ta là chế độ ăn uống không có đạm động vật, nhưng với người phương Tây, có đến 3 nhóm ăn chay.  Nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ sũa.  Nhóm thứ hai là

Xem phim 300 và tưởng nhớ quá khứ anh hùng ông cha

Bộ phim miêu tả cuộc chiến không cân sức giữa 300 chiến binh dũng mãnh Sparta, dưới sự chỉ huy của vị vua  Leonidas , với 1 triệu quân của đế chế  Ba Tư  cổ đại.   bộ phim là tiếng nói ca ngợi tự do và là khúc tráng ca của lòng yêu nước  [3] . Chuyện phim kể về cuộc đời  Leonidas  -  vua  của thành bang  Sparta  ở  Hy Lạp , dưới dạng hồi ức của  Dilios  - một tướng thân cận dưới trướng Leonidas. Ở Sparta xưa có tục lệ giết hài nhi ốm yếu hay dị tật từ lúc chúng mới sinh, chỉ giữ lại những đứa trẻ khỏe mạnh nhất, Leonidas là một trong số trẻ em may mắn đó. Năm 7 tuổi, cậu bé bị tách khỏi người mẹ thân yêu để trưởng thành trong sự khổ luyện khắc nghiệt. Leonidas được dạy rằng không được nhân từ, không được khoan nhượng với kẻ thù, và  chết  trên chiến trường chính là vinh dự lớn lao nhất mà cậu nhận được. Cuối cùng, khi đã trưởng thành, Leonidas trải qua thử thách cuối cùng trong cánh  rừng   mùa đông  với con sói dữ. Cậu phải chọn lựa: Hoặc là sống sót quay về, trở thành vua của Spa

Tâm lý bạn gái - Hoàng Xuân Việt

Đời Sống Tình Cảm Của Bạn Gái     1 - Người Bạn Gái Với Ái Tình       Trong tòa nhà tình cảm của bạn gái, ái tình đóng vai trò rường cột. Ở người bạn trai, trái tim cũng hoạt động, nhưng thua ở người bạn gái, thua cách riêng về mặt tế nhị, sâu xa. Bạn trai thường chú trọng nhan sắc, xác thịt, thường lo lắng xâm chiếm làm chủ một trái tim khác và dễ dàng phát lạc tình yêu khi được kẻ khác yêu. Hơn nữa, dù ở tuổi dậy thì là tuổi nhiều lửa ái, người bạn trai chỉ coi việc yêu đương là một trong bao nhiêu hoạt động khác. Dù muốn chạy theo tình yêu là thôi hay không họ cũng chẳng bị bắt buộc "lo yêu" một cách khắc nghiệt với bản năng. Lý trí rất giàu ở nam nhơn, khiến tình yêu bị chi phối dễ dàng hoặc giả chăng bản năng tình dục họ quá mạnh, ý trí trong một giai đoạn bị coi rẻ, sau cùng cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho họ cải tà quy thiện. Ở bạn gái: khác hẳn. Bạn gái là Ái Tình. Họ chính là Yêu. Bản chất của họ đượm màu sắc luyến ái. Trong đường gân máu